Giá bán điện tái tạo sẽ được xác định như thủy điện, nhiệt điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
28/08/2023 12:09 GMT+7

Sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, giảm dần và tiến đến xóa bù chéo giá điện, không độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới truyền tải, hình thành thị trường điện cạnh tranh...

Đó là một số nội dung được Bộ Công thương nêu trong phần tiếp thu, giải trình góp ý của các bộ ngành trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật Điện lực sửa đổi gửi Bộ Tư pháp.

Xóa bù chéo giá điện, tư nhân được đầu tư lưới điện truyền tải

Theo góp ý của Bộ Tài chính, cần tăng cường hơn vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện lực, xóa bỏ tình trạng biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực; bù chéo giá điện; hình thành thị trường điện cạnh tranh và đảm bảo các nguyên tắc theo cơ chế thị trường.

Tiếp thu và giải trình, Bộ Công thương cho biết đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề liên quan giá phân phối, giá SMO... nhằm đảm bảo thị trường điện vận hành theo cơ chế thị trường. Dự kiến, bổ sung quy định về giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền... đồng bộ với việc hình thành thị trường điện cạnh tranh phù hợp định hướng tại Quyết định 55 của Bộ Chính trị.

Bộ Công thương: giá bán điện tái tạo sẽ được xác định như thủy điện, nhiệt điện - Ảnh 1.

Theo Bộ Công thương, luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền Nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải

ĐỘC LẬP

Ngoài ra, Bộ Tài chính góp ý nên nghiên cứu quy định theo hướng xác định rõ phạm vi độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực lưới điện truyền tải và phạm vi khu vực tư nhân được phép đầu tư, nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật như đầu tư theo phương thức đối tác công tư, giảm áp lực đầu tư đối với nguồn vốn Nhà nước, đồng thời tạo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Dẫn một số điều quy định của pháp luật, Bộ Công thương cho rằng các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước vẫn được vận hành lưới điện truyền tải "do mình đầu tư xây dựng". Tuy vậy, yếu tố giá truyền tải là vấn đề chính để thu hút đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.

Theo quy định luật Quy hoạch, sau khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt, Bộ Công thương sẽ lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, có xác định danh mục dự án gồm sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn khác ngoài đầu tư công. Nên không chỉ riêng dự án lưới điện truyền tải mà tất cả các dự án điện (gồm nguồn và lưới) cần đánh giá trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước (thông qua các tập đoàn/doanh nghiệp Nhà nước) và các tiêu chí khác (nếu có) để xác định các dự án nào do Nhà nước hay tư nhân thực hiện trong thời kỳ quy hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực.

"Luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền Nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải", giải trình của Bộ Công thương nêu.

Không duy trì chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo 

Về nội dung chuyển dịch năng lượng và khuyến khích năng lượng tái tạo bảo đảm an ninh năng lượng, Bộ Tư pháp cho rằng, cần nêu cụ thể các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để thể hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành do năng lượng tái tạo. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng đề xuất "nghiên cứu xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo". Từ đó, Bộ Tư pháp nêu quan điểm trước mắt chưa xây dựng được luật về năng lượng tái tạo, cần chính sách phát triển năng lượng tái tạo và nêu đề xuất cụ thể...

Tuy nhiên, giải trình, Bộ Công thương nhấn mạnh, luật Điện lực sửa đổi không đề xuất nội dung chính sách chuyển dịch năng lượng và đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo. Lý do, các chính sách/quy định khuyến khích phát triển được áp dụng trong thời gian qua chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ/khuyến khích đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, giá điện tái tạo trên thế giới có xu hướng ngày càng giảm, qui mô ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường công nghệ, thiết bị điện gió cũng cạnh tranh hơn, nên việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển theo hướng tiệm cận thị trường là phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới.

"Việc duy trì các chính sách hỗ trợ không còn phù hợp. Việc xác định giá bán điện các dự án điện năng lượng tái tạo sẽ áp dụng tương tự như các dự án điện khác như thủy điện, nhiệt điện. Các ưu đãi đầu tư khác đã được quy định tại luật Đầu tư", Bộ Công thương nêu quan điểm. Đồng thời cho rằng, sau khi kết thúc các cơ chế khuyến khích phát triển theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và cả các dự án điện năng lượng tái tạo trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế: các chủ đầu tư dự án đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành để đảm bảo tuân thủ luật Điện lực, luật Giá và các văn bản liên quan để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.