Giá bất động sản tăng chóng mặt, phải ngăn chặn môi giới 'tự tung tự tác'

28/10/2024 13:12 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội, một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản liên tục tăng là việc tung tin để thổi giá của các môi giới, do đó phải có giải pháp để nhóm này không 'tự tung tự tác'.

Sáng 28.10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát đối với thị trường bất động sản giai đoạn 2015 - 2023, nhiều đại biểu Quốc hội cùng chung mối quan tâm khi giá nhà, đất liên tục tăng rất cao, vượt quá tầm với của đại đa số người dân.

Việc này do đâu, giải pháp nào để đưa giá bất động sản về đúng với giá trị thực, phù hợp với nền kinh tế cũng như thu nhập của người lao động?

Giá bất động sản tăng chóng mặt, phải ngăn chặn môi giới 'tự tung tự tác'- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP.Hà Nội

ẢNH: GIA HÂN

Có hay không sự "bắt tay" để thiết lập mặt bằng giá mới

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội), giá nhà, đất thời gian qua ở mức quá cao, và càng đáng lo ngại là giá vẫn không ngừng tăng, khiến phần lớn không thể tiếp cận vì không đủ khả năng tài chính.

Có 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Thứ nhất, người mua bất động sản không chỉ để ở mà còn để tích lũy chờ tăng giá. Giá càng tăng thì càng mua, mà càng mua thì giá lại càng tăng.

Thứ hai, nguồn cung bất động sản khan hiếm, trong khi nhu cầu lại tăng, dẫn đến giá tăng.

Thứ ba, các lực lượng thị trường tranh thủ đẩy giá để kiếm lời. Người môi giới thì tung tin để thổi giá. Người tham gia đấu giá thì cố tình bỏ giá cao để đẩy giá lên. Các doanh nghiệp lớn đưa bất động sản ra thị trường đều bán với mức giá cao.

"Dư luận đặt dấu hỏi rằng, liệu có hay không khả năng các doanh nghiệp bắt tay với nhau, cố tình đưa giá cao để thiết lập mặt bằng giá mới", ông Cường nêu.

[VIDEO] Nghị trường Quốc hội nóng bỏng: Giá bất động sản tăng chóng mặt, phải ngăn chặn môi giới 'tự tung tự tác'

Không để môi giới bất động sản "tự tung tự tác"

Để giúp thị trường bất động sản lành mạnh, bên cạnh việc hoàn thiện và gỡ vướng về thủ tục pháp lý, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị giải pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá ngay khi mức giá có dấu hiệu bất thường. Việc này nhằm bảo vệ người tiêu dùng, làm cơ sở thu thuế, điều tiết thu nhập tăng thêm khi giá bất động sản lên cao.

Cạnh đó, cần đưa bất động sản bán ra lần đầu của các doanh nghiệp thứ cấp vào danh mục hàng hóa phải kê khai giá, kiểm tra giá, từ đó ngăn chặn được tình trạng giá tăng cao một cách vô lý.

Đặc biệt, ông Cường cho rằng lực lượng giữ vai trò trung gian của thị trường bất động sản là môi giới và sàn giao dịch, phải hoạt động một cách chuyên nghiệp, không thể "tự tung tự tác, tay tung tay hứng" để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường.

Theo vị đại biểu đoàn TP.Hà Nội, luật pháp hiện hành chưa có cơ chế quản lý các hoạt động môi giới cũng như sàn giao dịch bất động sản một cách chuyên nghiệp. Vì vậy, ông Cường kiến nghị thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, trở thành công cụ giúp minh bạch thị trường.

Giá bất động sản tăng chóng mặt, phải ngăn chặn môi giới 'tự tung tự tác'- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Văn Phước, đoàn Quảng Nam

ẢNH: GIA HÂN

Đấu giá cao ngút trời rồi bỏ cọc, làm gì để ngăn chặn?

Một giải pháp quan trọng khác được đại biểu Hoàng Văn Cường đề cập là ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi tham gia đấu giá bất động sản.

Ông Cường cho rằng việc tăng tiền cọc đấu giá không phải là giải pháp khả thi, thay vào đó cần bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh mình có đủ năng lực tài chính để mua tài sản trong trường hợp trúng đấu giá. Đồng thời, người tham gia đấu giá phải cam kết nếu trúng đấu giá mà bỏ cọc thì sẽ bị xử lý.

"Người thật thì không ngại ngùng gì việc chứng minh, lại còn loại được những người tham gia chỉ với mục đích mua đi bán lại hoặc không vì mục đích mua được tài sản đấu giá", ông Cường nói.

Tranh luận với đại biểu Cường, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) lại cho rằng đặt cọc chính là mấu chốt để giải bài toán bỏ cọc.

Ông Phước dẫn chứng vụ đấu giá mỏ cát tại Quảng Nam vừa qua, giá khởi điểm chỉ hơn 1 tỉ đồng nhưng trúng đấu giá lên tới 370 tỉ đồng, "nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn". Hay như tình trạng đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội, mức giá lên tới 262 triệu đồng/m2, "rõ ràng có dấu hiệu bất thường, nguy cơ bỏ cọc".

Vị đại biểu đoàn Quảng Nam nói, với quy định mức đặt cọc tối đa 20% giá khởi điểm như hiện nay, một số đối tượng sẽ sẵn sàng bỏ ra số tiền đặt cọc để trúng đấu giá bằng được, nhưng rồi bỏ cọc, nhằm lũng đoạn, đẩy giá thị trường lên cao.

"Đấu giá mà không thực chất thì sẽ là công cụ để lũng đoạn, trục lợi, cần phải nghiêm trị", ông Phước nói và kiến nghị tăng mức đặt cọc theo từng vòng đấu giá (lũy tiến), để người tham gia đấu giá cân nhắc trước khi bỏ cọc. Đồng thời, có chế tài xử lý mạnh hành vi bỏ cọc, có thể cấm tham gia đấu giá trong lĩnh vực tương tự.

Tranh luận lại với đại biểu Phước, đại biểu Hoàng Văn Cường vẫn khẳng định việc "siết" điều kiện tham gia đấu giá mới là giải pháp tối ưu.

Ông Cường nhận định việc tăng mức đặt cọc, nhất là với tài sản đấu giá có giá trị lớn, sẽ trở thành trở ngại, hạn chế người tham gia. Bởi lẽ, không phải ai cũng chắc chắn trúng đấu giá để huy động một số tiền lớn đặt cọc.

Ngược lại, quy định về chứng minh khả năng tài chính sẽ sàng lọc người tham gia đấu giá ngay từ đầu. Việc chứng minh có thể bằng số tiền đang có trong tài khoản ngân hàng (thông qua sao kê), hoặc bất động sản (thông qua giấy chứng nhận quyền sở hữu).

Nếu bỏ cọc mà không có lý do chính đáng, người vi phạm sẽ bị xử lý tương đương với giá trị tài sản bỏ cọc. Lúc đó, người đấu giá muốn trả giá bao nhiêu cũng được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.