Thứ trưởng Bộ Xây dựng lý giải giá nhà Hà Nội tăng cao

Mai Hà
Mai Hà
17/10/2024 14:44 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho rằng, một nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà Hà Nội tăng cao thời gian qua là đầu cơ và tâm lý mua nhà để chờ tăng giá.

Tại họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Xây dựng sáng 17.10, PV Thanh Niên đặt câu hỏi về đề xuất đánh thuế bất động sản để hạn chế đầu cơ, lướt sóng và giảm giá nhà.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng lý giải giá nhà Hà Nội tăng cao - Ảnh 1.

Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản

ẢNH: MAI HÀ

Theo ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, mới đây Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Chính phủ về các giải pháp ổn định giá nhà.

Về nguyên nhân tăng giá nhà tại Hà Nội, ông Dũng cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất chi phí đầu vào, đặc biệt tiền sử dụng đất, nhân công tăng làm giá nhà tăng.

Thứ hai, nguồn cung bất động sản dù đã được cải thiện trong quý 3 song vẫn hạn chế, dẫn tới giới đầu cơ, môi giới tác động kích giá, thổi giá, gây nhiễu loạn làm giá nhà tăng cao. Nguồn cung hạn chế cũng tác động đẩy giá nhà trên thị trường tăng.

Thứ ba, các kênh đầu tư khác chưa thuận lợi nên nhà đầu tư chọn bất động sản để đầu tư, tích lũy tài sản, sự dịch chuyển dòng tiền lớn vào thị trường cũng khiến giá nhà tăng thêm...

Để kiểm soát giá nhà, theo ông Vương Duy Dũng, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ một số giải pháp về cơ chế như thực hiện có hiệu quả 3 luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Điều chỉnh, chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất, có giải pháp ổn định khi ban hành bảng giá đất, tránh tác động tiêu cực đến thị trường. Quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, hướng tới giao dịch bất động sản qua sàn có sự quản lý của Nhà nước để tránh thổi giá, kích giá.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế liên quan tới thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản trong thời gian ngắn. Lý do, theo ông Dũng, tình trạng lướt sóng bất động sản thời gian qua cũng ảnh hưởng tới giá bán trên thị trường.

"Giải pháp đánh thuế bất động sản cũng được Bộ Tài chính, các bộ liên quan đồng tình nghiên cứu ban hành. Tuy nhiên, phải đánh giá kỹ, thấu đáo, toàn diện tác động của giải pháp này vì đây là chính sách mới", ông Dũng nói.

Cụ thể, cần đánh giá ảnh hưởng tới các đối tượng chịu tác động chính sách thuế bất động sản, trong đó có doanh nghiệp, người dân, người bán, người mua. Chính sách phải phù hợp với thông lệ quốc tế và tránh tác động tiêu cực tới hoạt động giao dịch bất động sản.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng lý giải giá nhà Hà Nội tăng cao - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng

ẢNH: MAI HÀ

Thông tin thêm, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho rằng, người dân có tâm lý mua nhà chờ giá tăng cao, bán kiểu gì cũng lãi. Tâm lý này cũng gây sốt giá nhà thời gian qua. Do đó, để ổn định thị trường bất động sản, theo Thứ trưởng Hùng, cần có giải pháp để ổn định tâm lý người mua nhà, nhất là thông qua việc truyền thông trên báo chí và các phương tiện truyền thông.

"Ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững thị trường bất động sản, để người có nhu cầu thực mua được nhà luôn là mục tiêu của Chính phủ và Bộ Xây dựng nhiều năm qua. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững cần có chính sách đồng bộ về tài khóa, đất đai và tín dụng", ông Hùng nhấn mạnh.

Sẽ phát hành trái phiếu cho người dân vay mua nhà ở xã hội

Liên quan tới việc đề xuất thêm gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi hơn cho người mua nhà, ông Vương Duy Dũng cho hay, đây là gói được bổ sung bên cạnh gói 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội.

Gói 120.000 tỉ đồng được triển khai trên tinh thần các ngân hàng chủ động cân đối, ngân sách không hỗ trợ nên ưu đãi lãi vay ngắn, 3 năm cho chủ đầu tư, 5 năm cho người mua. Tuy nhiên, chưa đảm bảo đủ ưu đãi với người mua nhà là người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Vì thế, để tăng ưu đãi, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, trong đó có 15.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, 15.000 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân mua nhà ở xã hội. Qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà.

Theo ông Dũng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng phải được triển khai phù hợp với pháp luật khác. Bộ Xây dựng đang làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm triển khai gói tín dụng này.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng khẳng định, mấu chốt trong chính sách phát triển nhà ở xã hội là miễn tiền sử dụng đất và tín dụng ưu đãi. Theo đó, tín dụng ưu đãi phải vừa hỗ trợ chủ đầu tư xây nhà, vừa giúp người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay giá rẻ để mua nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.