Trong tuần qua, giá cà phê thế giới tăng vọt lên mốc lịch sử 3.381 USD/tấn; tương tự giá cà phê Tây nguyên nhiều nơi vượt mức 92.000 đồng/kg. Tranh thủ cơ hội giá cao chưa từng có, nhiều người đã bán chốt lời. Trong ngày cuối tuần, dù giá cà phê có giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì mức cao.
Đến đầu tuần này giá cà phê tiếp tục tăng thêm 600 - 700 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk 91.300 đồng/kg, Đắk Nông 91.500 đồng/kg, Gia Lai 91.200 đồng/kg và Lâm Đồng 90.600 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh tại H.Krông Nô (Đắk Nông), cho biết: Giá cà phê tại địa phương sáng nay là 92.500 đồng/kg. Trong tuần qua giá cà phê tăng quá nóng, kéo dài đến đầu tuần này. Mức giá hiện tại ngoài sức tưởng tượng của hầu hết dân trong ngành, nên thực tế là từ nông dân đến thương lái và cả các doanh nghiệp nhỏ cũng không còn mấy người có cà phê. Chính vì vậy nên giá cứ tăng. Cột mốc 80.000 rồi 90.000 đồng/kg liên tục bị vượt qua, sắp tới rất có thể là mốc 100.000 đồng/kg cũng bị phá.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN, cho biết: Không chỉ cà phê mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng tăng giá theo xu hướng chung của thế giới. Ngoài yếu tố cung cầu, giá tăng còn do tác động của hiện tượng thời tiết khô hạn vì El Nino và những biến động về chính trị, kinh tế trên thế giới. Những điều này khiến giới đầu cơ toàn cầu tìm nơi trú ẩn và các mặt hàng lương thực hay nông sản được xem có nhiều lợi thế cũng như tính an toàn cao.
Giá cà phê đạt mốc lịch sử mới
Xét về cung cầu, Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch và phải đợi tới tháng 10.2024 mới vào vụ thu hoạch tiếp theo. Hiện nay, nắng nóng khô hạn cũng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của vụ cà phê sắp tới. Bên cạnh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cây cà phê cũng đang cạnh tranh với những loại cây trồng khác về giá trị kinh tế nên diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam khó tăng trong vụ tới. Đây là lo lắng dài hạn cho bài toán cung cầu của thế giới.
Đối với nông dân và những người nắm giữ cà phê nói chung, năm ngoái thời điểm này giá chỉ khoảng 47.000 đồng/kg; họ kỳ vọng mức giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Nhưng giá hiện tại đã lên tới trên 90.000 đồng. "Đây là trạng thái tâm lý mà người bán không còn sợ lỗ và kiểu gì cũng có lãi (trừ những người bán khống). Họ sẵn sàng giữ hàng chờ giá lên tới 100.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn thế, mới bán và nếu giá cà phê có giảm xuống dưới 90.000 đồng/kg họ chỉ giảm lãi chứ không lỗ. Lúc này là giai đoạn người bán quyết định giá cà phê", ông Hiệp phân tích.
Từ đầu niên vụ cà phê đến nay (tháng 10.2023), lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam khoảng 700.000 tấn. Lượng hàng còn lại của Việt Nam ước khoảng gần 1 triệu tấn, nếu chia đều cho 7 tháng tới khi mùa vụ mới bắt đầu thì lượng hàng xuất khẩu bình quân khoảng 140.000 tấn/tháng. Đây là con số không lớn so với nhu cầu đang tăng của thế giới cũng như năng lực xuất khẩu của Việt Nam vì có tháng xuất tới trên 200.000 tấn. Trong khi nguồn cung cà phê từ các nước Nam Mỹ không cùng phẩm cấp với hạt cà phê robusta rang xay của Việt Nam.
Đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp và chuyên gia nhận định xu hướng giá cà phê Việt Nam vẫn sẽ tăng bất chấp diễn biến thị trường thế giới.
Bình luận (0)