Nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử trùng tu
Theo Viện Bảo tồn di tích, tháp D1 và D2 trải qua lần trùng tu lớn vào đầu thế kỷ 20 do Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) thực hiện và lần thứ 2 vào những năm 1980 do các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam cùng thực hiện.
Trong lần tu sửa thứ 2, toàn bộ 2 đền tháp được trùng tu theo phương pháp trùng tu khảo cổ học. Phần kiến trúc hai công trình chủ yếu áp dụng các giải pháp gia cố thể xây, tái định vị phục hồi từng phần có lựa chọn, tái sử dụng vật liệu thu hồi tại chỗ.
“Trong lần trùng tu này, hai công trình được lựa chọn trở thành không gian lưu giữ bảo quản, trưng bày một số thành phần trang trí kiến trúc và hiện vật khảo cổ rơi vãi, thu hồi được tại chỗ trong quá trình dọn dẹp mặt bằng khu di tích trong những năm 1980”, kiến trúc sư (KTS) Đặng Khánh Ngọc, Phó viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho hay. Lý do, theo KTS Đặng Khánh Ngọc, hai công trình có vị trí, hình thức mặt bằng, không gian phù hợp. Khoảng sân giữa hai công trình từ đầu thế kỷ 20 cũng đã được các chuyên gia Viện Viễn Đông Bác cổ lựa chọn làm không gian sắp đặt, trưng bày ngoài trời các bức tượng và hiện vật khảo cổ lớn.
Trên cơ sở đó, tháp D1, D2 được các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam thiết kế cho phù hợp với yêu cầu công năng mới, bổ sung mái che và hệ cột đỡ kim loại, hệ thống thoát nước mái chạy ngầm; phục hồi một số mảng tường và thành phần bao che đã bị mất, bổ sung các cánh cửa để khép kín không gian thành phòng trưng bày...
Cũng theo KTS Đặng Khánh Ngọc, bên trong tháp D1, D2, các hiện vật trưng bày được lựa chọn theo ý đồ thiết kế của các chuyên gia. “Hai tháp D1, D2 ngoài công năng chính là phòng trưng bày tại di tích thì bản thân hai công trình còn có giá trị đặc biệt khác: Đó là lưu giữ lại các dấu ấn về lịch sử trùng tu, về phương pháp và các giải pháp tu bổ, phát huy giá trị di tích tại Mỹ Sơn”, KTS Đặng Khánh Ngọc nhận định.
|
Có điều kiện, nên trả lại nguyên trạng
Theo các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích, hiện tại tháp D1, D2 đã xuất hiện hư hại các khối xây tường gạch gốc ở nhiều mức độ khác nhau, như bị rêu, nấm, mốc xâm thực, ăn mòn vi sinh. Các khối xây tường gia cố, tu bổ, phục hồi không gian, mặt liên kết mạch xây bằng vữa sử dụng xi măng có hiện tượng bị mủn, bong tróc. Các khối xây phục hồi sử dụng gạch mới, liên kết vữa có thành phần xi măng xuất hiện rêu, mốc, tảo, nấm xâm thực dày đặc; bề mặt gạch bị mủn, bong lớp nhiều. Đặc biệt, phần đế và bậc cấp công trình bị xâm thực, ăn mòn vi sinh nặng hơn, bong tróc nặng nề. Thêm vào đó, tại các thành phần tôn tạo, bổ sung ở tháp D1, D2 như phần mái và khung đỡ mái (cột, rầm, xà), cửa làm bằng sắt bị bong, tróc sơn gây han gỉ, mục rã tại nhiều vị trí. Hệ thống thoát nước hoạt động kém gây thấm, dột, lưu đọng nước làm ẩm ướt các cấu trúc xây gạch như tường, nền, phần đế và các hiện vật trưng bày.
Cũng theo Viện Bảo tồn di tích, do độ thông thoáng, lưu thông không khí trong các tháp D1, D2 kém, làm tăng nhiệt độ và độ ẩm bên trong, thúc đẩy mạnh hơn quá trình phát triển của các yếu tố gây hại đến cấu trúc xây và cấu trúc vật liệu của hiện vật... Đặc biệt, các hiện vật trưng bày và các thành phần phụ trợ liên quan như bục, bệ, đai treo... do ảnh hưởng của thời gian và các điều kiện vi khí hậu đã bị xuống cấp, hư hại, không đảm bảo độ ổn định cho trưng bày lâu dài. Ngoài ra, do số hiện vật được lưu giữ hiện nay có số lượng lớn và nhiều hiện vật không còn phù hợp, đã làm cho không gian trưng bày trở nên chật chội, lộn xộn, làm giảm hiệu quả phát huy giá trị của hai tháp D1, D2.
Theo ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, quan điểm của các chuyên gia Ba Lan, trong đó có KTS Kazik chủ yếu là chống đỡ, cứu vãn với ý đồ rằng “về nguyên gốc nó không phải như vậy”. Cho nên, tại hai tháp D1, D2, tiến hành lót gạch men và làm một số bục bệ bê tông nhằm giữ lại hiện vật trong thời điểm dễ bị mất mát, đổ vỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta có điều kiện kinh tế, nắm vững kỹ thuật trùng tu… khi nhìn lại, thấy rằng cách làm này nó làm biến dạng di tích. Vì vậy, qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, sẽ tiến hành tháo dỡ các bục, bệ, kho chứa hiện vật, thay gạch nền trong lòng tháp để trả lại nguyên trạng tháp D1, D2. Dự kiến sẽ triển khai trong năm 2020, với nguồn kinh phí hơn 1 tỉ đồng.
Đồng quan điểm nêu trên, KTS Đặng Khánh Ngọc cũng cho rằng cần thiết phải giải tỏa hai tủ chứa - nơi lưu giữ hiện vật trong hai tháp D1, D2, mở rộng phần không gian dành cho trưng bày hiện vật. Vì vậy, cần cải tạo, nâng cấp kỹ thuật và vật liệu hệ thống bao che gồm mái, khung đỡ, cửa ra vào, hệ thống thoát nước trên mái sao cho thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên và thiết kế thêm hệ thống chiếu sáng trưng bày…
Đối với các hiện vật trưng bày, Viện Bảo tồn di tích nhấn mạnh sẽ bảo lưu tối đa các hiện vật đã được lựa chọn trưng bày theo ý đồ thiết kế ban đầu của các chuyên gia
Ba Lan - Việt Nam. “Tái thiết kế, sắp đặt lại phần trưng bày hiện vật (bục, bệ, kệ đỡ, giá treo...) theo hướng hiện đại và trang nhã, sử dụng các thủ pháp và vật liệu hiện đại cho phần trưng bày, tạo tương phản với các cấu trúc xây gạch Chăm cổ có gần 1.000 năm tuổi của kiến trúc công trình gốc”, KTS Đặng Khánh Ngọc chia sẻ thêm về việc thay đổi không gian đền tháp D1,D2. Qua đó, tôn vinh những đóng góp to lớn của các chuyên gia Ba Lan - Việt Nam trong quá trình phục hồi, cứu vãn di sản văn hóa thế giới, chứ không “xóa sổ dấu ấn của KTS Kazik” tại Mỹ Sơn.
|
Khu đền tháp Mỹ Sơn đón khách
Ngày 27.4, Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết vừa gửi thông báo đến các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành về nội dung mở cửa bán vé tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn từ hôm nay 28.4. Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng yêu cầu khách du lịch thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi đến tham quan tại Mỹ Sơn.
Trước đó, từ ngày 16.3, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19, Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã quyết định đóng cửa, tạm dừng bán vé tham quan khu đền tháp.
|
Bình luận (0)