Doanh nghiệp khó dự báo chi phí sản xuất
Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Một trong những điểm mới của dự thảo là đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 3 tháng/lần, xuống 2 tháng/lần. Đặc biệt, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên (thay vì từ 3% như hiện nay), Tập đoàn điện lực VN (EVN) có quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện.
Theo Bộ Công thương, giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận nhằm bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, quy định mới phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về "tránh giật cục" trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm. Bộ này cũng cho rằng việc xây dựng dự thảo nghị định mới, xác định lợi nhuận các khâu nhằm đảm bảo cơ sở thực hiện ngay khi luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1.2.2025 tới.
Về quy định điều chỉnh giá điện 2 tháng một lần, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM, đề nghị nên có cách điều hành về giá điện mang tính ổn định hơn là thay đổi liên tục như vậy. Vì doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành tiêu thụ lượng điện năng lớn như cơ khí, luôn chú trọng tính toán chi phí sản xuất ngay từ cuối năm trước để có cơ sở làm việc với đối tác. Giá điện là một trong những khoản chi lớn của ngành cơ khí, công nghệ..., việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tính toán, dự trù. "Quy định điều chỉnh giá điện mới rút từ 6 tháng xuống 3 tháng vào giữa năm qua, chưa rõ hiệu quả thế nào nay lại rút ngắn tiếp thời gian xuống 2 tháng với lý giải "tránh giật cục". Song tôi thấy việc điều chỉnh giá liên tục mới là "giật cục" và khiến doanh nghiệp quay vòng vòng trong mớ tính toán chi phí liên tục...", ông Tống nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng sau khi đã có luật Điện lực, có cơ chế mua bán điện trực tiếp, rồi thí điểm tính giá điện 2 thành phần… mà vẫn điều hành giá điện 2 tháng một lần là "hơi lạ". "Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thị trường điện có sự cạnh tranh lành mạnh. Thế nên, vấn đề không phải bao lâu điều chỉnh giá điện mà phải bảo đảm yếu tố minh bạch. Giá sản xuất điện hiện vẫn chưa được công khai rõ ràng; chính sách điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần chưa thấy đánh giá về tính hiệu quả và mới được áp dụng chưa bao lâu, nay lại thay đổi nữa là điều khó hiểu. Chưa kể, giá điện thay đổi một năm đến 6 lần sẽ rất khó cho doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn", TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý.
Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Quốc Việt, quy định liên quan về điều hành giá điện có vẻ chưa tương thích với chính sách đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải và mục tiêu có thị trường mua bán điện cạnh tranh. Bởi nguyên tắc điều chỉnh giá cần gắn với cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra là bán điện. Trong khi đó, khâu truyền tải đang độc quyền, tức là không thể xác định chi phí khâu này theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, giá năng lượng tái tạo mua vào theo khung giờ, giá bán ra cũng theo khung giờ và theo mức tiêu thụ… "Thế nên, thay vì thay đổi rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện nên chăng xây dựng giá điện 2 thành phần, có phần trả cố định về công suất tiêu thụ, phần trả theo mức điện năng tiêu thụ?", chuyên gia này gợi ý.
Nên sớm áp dụng giá điện 2 thành phần
Trước đó, EVN cũng đã đề xuất triển khai cơ cấu giá điện 2 thành phần, bao gồm giá công suất và giá điện năng. Đề án này sẽ thí điểm trước cho một số nhóm khách hàng và dự kiến áp dụng vào năm 2025.
Chia sẻ kinh nghiệm áp giá điện 2 thành phần tại Phần Lan, chuyên gia công nghệ Nguyễn Chánh Lãm (sống tại Phần Lan) cho biết nước này tính giá điện gồm giá điện thị trường được cập nhật hằng ngày, công khai mỗi khung giờ và người dân dễ dàng xem trên app hoặc trên các trang về điện, cộng với phần lãi của nhà cung cấp điện, thường dao động trong khoảng
0,4 - 0,6 cent/kWh. Kế đó, phí vận hành hằng tháng, tùy mỗi nhà cung cấp điện đưa ra, thường dao động từ 2,99 - 4,99 euro/tháng. Trong năm, người dùng điện có thể đổi ký hợp đồng với nhà cung cấp khác nếu muốn. Các hợp đồng luôn đăng ký công suất tiêu thụ bao nhiêu và khoản này là giá cố định. Sau đó, số kWh điện năng tiêu thụ bao nhiêu tùy vào giờ dùng. Chẳng hạn, trong ngày mức giá điện báo trên app thấp nhất là 6,57 cent/kWh (0 - 1 giờ), cao nhất là 22,58 cent/kWh (9 - 10 giờ), như vậy, giá bình quân là 14,46 cent (tiền mua điện, chưa tính phí phân phối).
Tuy nhiên, trong năm cũng có nhiều thời điểm, người dân mua điện với giá 0 đồng, thậm chí được trả tiền để dùng điện. Trường hợp này không phổ biến nhưng đã xảy ra tại Phần Lan và đó là điều bình thường khi áp dụng giá điện 2 thành phần. Giá điện âm có nghĩa là nguồn cung cấp điện vượt quá nhu cầu. "Tôi nghĩ VN trong chiến lược phát triển song song điện mặt trời, điện gió và sau này là điện hạt nhân, nên áp dụng cơ chế giá thế này sẽ tốt hơn. Phần Lan hiện lấy nguồn điện hạt nhân là điện nền, trong khi điện gió ngoài khơi cũng rất dồi dào", ông Lãm nói.
Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, việc minh bạch chi phí sản xuất điện cho từng loại điện, từng khâu vận hành là rất cần thiết. Từ đó, mới chốt cố định được giá thành sản xuất là bao nhiêu để đưa ra mức giá phù hợp. Ông dẫn chứng một số nước trong khu vực như Thái Lan, điện khí là nguồn chính, tính cả nguồn nhiệt điện than đá và khí chiếm tỷ trọng khoảng 56% trên tổng sản lượng điện tiêu thụ. Mỗi quý, các nhà quản lý ngồi họp với nhau xem xét các yếu tố đầu vào như nguyên liệu khí, than đá…, từ đó cho điều chỉnh giá điện trong 3 tháng tới. Tại VN, các chi phí lại tính theo năm trong khi giá điện cho 3 tháng điều chỉnh một lần, nay còn đề xuất xuống 2 tháng thì càng không hợp lý. "Vì thế, nên giữ mốc thời gian 3 tháng điều chỉnh một lần, công khai chi phí sản xuất điện trong 3 tháng đó. Áp dụng một thời gian xem ổn định thế nào, chứ không nên thay đổi liên tục như vậy", ông Đào Nhật Đình lưu ý.
Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch cũng khuyến nghị nên sớm áp dụng giá điện 2 thành phần, trước mắt là với các khách hàng dùng điện sản xuất, kinh doanh, sau đó áp dụng cho khách hàng dùng điện sinh hoạt. Theo đó, người dùng điện sẽ trả riêng cho mỗi kWh công suất mà họ đăng ký hằng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, người dùng vẫn phải trả chi phí công suất thay vì ngành điện gánh chịu rồi báo lỗ, hay cộng thêm phần lỗ này… qua điều chỉnh giá như hiện nay. Việc tính giá điện 2 thành phần đã được nhiều nước thực hiện, phần lớn áp dụng với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh và có một số nước áp dụng cho cả điện sinh hoạt. VN hoàn toàn có thể làm theo cách này.
Bình luận (0)