Giá điện nóng, quy hoạch quá chậm

Nguyên Nga
Nguyên Nga
28/04/2023 06:27 GMT+7

Trong bối cảnh nhiều vấn đề "nóng ran" liên quan ngành điện, Quy hoạch điện 8 vẫn dậm chân tại chỗ. Sau gần 4 năm xây dựng và gần 10 lần Bộ Công thương trình Chính phủ ký, nhưng vẫn không đạt để được ký phê duyệt.

Ảnh hưởng tới quyết định mở rộng đầu tư

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngày 25.4 là thời hạn cuối cùng để Bộ Công thương trình lại dự thảo và tờ trình Quy hoạch (QH) phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( QH điện 8 ) với nhiều yêu cầu.

Giá điện nóng, quy hoạch quá chậm - Ảnh 1.

Quy hoạch điện 8 chưa được thông qua ảnh hưởng tới quyết định mở rộng đầu tư tại nhiều doanh nghiệp

TN

Ngoài việc phải bám sát chủ trương chính sách của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới, phù hợp cam kết quốc tế của VN về chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, Phó thủ tướng nhấn mạnh, QH phải phát huy hiệu quả QH trước đây, trong bối cảnh ngành năng lượng trên thế giới phát triển rất nhanh do tiến bộ của khoa học, công nghệ và quá trình chuyển đổi năng lượng, yêu cầu đặt ra đối với QH điện 8 là cần có cách tiếp cận mới. Bổ sung nghiên cứu theo hướng QH động, mở với điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác theo tiềm năng và tự sản, tự tiêu. 

Đặc biệt, làm rõ số liệu QH điện mặt trời các dạng áp mái, tự sản tự tiêu hoặc thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp, không được hợp thực hóa các dự án vi phạm pháp luật, các dự án phát triển thiếu đồng bộ giữa nguồn phụ tải, hạ tầng truyền tải và không hiệu quả về kinh tế. Đồng thời, bổ sung, đánh giá thêm khả năng phát triển các nguồn thủy điện tích năng, pin lưu trữ để bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả hệ thống điện quốc gia tích hợp quy mô lớn các nguồn điện gió và mặt trời...

Bộ Công thương bắt tay vào xây dựng từ năm 2019 và chính thức trình Chính phủ dự thảo QH vào cuối năm 2021. Thế nhưng, đến nay chưa được thông qua sau nhiều lần chỉnh sửa. Trước Tờ trình 7194/TT-BTC ngày 11.11.2022, Bộ Công thương đã có các tờ trình khác về QH điện 8, gồm: Tờ trình 1682 (ngày 26.3.2021), Tờ trình 6277 (ngày 8.10.2021), Tờ trình 2279 (ngày 29.4.2022), Tờ trình 4778 (ngày 11.8.2022), Tờ trình 4967 (ngày 18.8.2022), Tờ trình 5709 (ngày 23.9.2022),Tờ trình 6328 (ngày 13.10.2022).

Trước đó, tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư tỏ ra sốt ruột khi QH điện 8 vẫn chưa được thông qua. Việc này khiến cơ chế mua bán điện trực tiếp từ nhà máy sản xuất đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DDPA) không có, ảnh hưởng tới quyết định mở rộng đầu tư tại nhiều doanh nghiệp. 

Nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu dùng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU. Họ cũng bày tỏ quan ngại về sự thiếu ổn định trong chính sách phát triển điện và muốn VN đẩy nhanh quá trình cấp phép các dự án  năng lượng sạch… 

Tại cuộc họp này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đánh giá tiến độ lập QH chậm dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cuối tháng 3, Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết Ban Chỉ đạo xây dựng các dự án điện trong QH phát triển điện quốc gia của EVN theo dõi 88 dự án nguồn và lưới điện từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, các dự án gặp rất nhiều vướng mắc trong đầu tư xây dựng các dự án điện trọng điểm. Trong đó lý do lớn nhất do QH điện 8 chưa được phê duyệt nên đơn vị chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo. 

Cụ thể, 2 dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II; một số dự án lưới điện truyền tải còn vướng mắc về điều chỉnh, bổ sung QH điện 7 điều chỉnh; xây dựng các dự án lưới điện gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận hướng tuyến, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng...

Chậm "bất thường"?

QH điện 8 là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của luật Quy hoạch năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264 ngày 1.10.2019. Bộ Công thương chấp bút dự thảo và từ đó đến nay, sau gần 4 năm, bộ này đã có gần 10 lần trình dự thảo QH nhưng liên tục bị trả lại để bổ sung.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), mong muốn QH điện 8 sớm được thông qua vì đây là cơ sở pháp lý về QH quan trọng được thực hiện để triển khai các dự án điện. Đặc biệt, đối với nhiều nguồn điện, lưới điện, phụ tải điện đã có những thay đổi cần phải được cập nhật, bổ sung. 

Đặc biệt là lưới điện cung cấp điện cho miền Bắc do tốc độ tăng trưởng phụ tải ở khu vực này đã thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều dự án điện cần phải có thời gian tương đối dài để thực hiện. Ví dụ, các dự án lưới điện cần 2 - 3 năm, nhưng dự án nguồn điện có thể phải cần đến 5 - 7 năm; dự án điện gió ngoài khơi, khung thời gian phát triển thậm chí kéo dài tới 5 - 11 năm, bao gồm các bước khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử....

GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, bày tỏ sự băn khoăn khi QH điện 8 bị chậm ban hành ảnh hưởng lớn đến cơ hội phát triển của ngành cũng như kinh tế xã hội. Nhưng ở khía cạnh ngược lại, một dự thảo được xây dựng từ năm 2019, trong vòng 2 năm gần đây, trình tới trình lui gần 10 lần, vẫn bị trả về để điều chỉnh, bổ sung, giải trình… cho thấy, Chính phủ rất coi trọng phê duyệt QH điện lần này. Lý do, xu hướng phát triển toàn cầu và nhu cầu thực tế trong nước thay đổi quá nhanh. Nếu ban hành một QH điện mới có hiệu lực lại nghĩ đến sửa đổi là không được. Chưa kể, trong mấy năm dự thảo QH được soạn thảo, bổ sung, lấy ý kiến, đất nước bùng nổ phát triển  năng lượng tái tạo , rồi giá ưu đãi hết thời hạn, biến động thế giới… khiến một QH đã chậm lại càng chậm thêm.

Dù vậy, GS Trần Đình Long vẫn thấy việc chậm trễ này "khá bất thường". Bởi những QH điện trước đây, có chậm mấy cũng không thể cứ trình lên trình xuống vẫn bế tắc. Không rõ nội tình để việc này chậm thế nào, nhưng thường những yêu cầu cần bổ sung, hoàn toàn có thể thực hiện được ở mức tương đối. Tại sao không ngồi lại cùng các nhà phản biện, nói rõ các lý do, vì mục đích chung để QH được thuyết phục trên cơ sở khoa học và sớm được thông qua? 

"Ở đây, tôi chỉ giả sử là có thể một lý do nữa là các số liệu được báo cáo không đồng nhất, gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, phát triển kinh tế… khiến nó (QH điện 8) được phê duyệt chậm cũng nên. Ngoài ra, thách thức lớn nhất cho các nhà soạn thảo QH điện 8 là tránh tối đa xung đột giữa quyền lợi các bên, giữa hiệu quả phát triển kinh tế và mục tiêu giảm phát thải ròng", GS Trần Đình Long nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.