Năm 2024 sẽ có thị trường điện cạnh tranh
Ngày 7.9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực tới năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.
Là người đặt câu hỏi đầu tiên cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, chủ trương của Đảng, Nhà nước là vận hành kinh tế theo cơ chế thị trường, qua xem xét thấy rằng, kể cả giá điện đầu vào và giá điện bán ra chưa bám sát theo đúng kinh tế thị trường cho nên làm giảm động lực phát triển của ngành điện lực?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Theo đề án Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 thì thị trường điện cạnh tranh được xây dựng theo lộ trình có 3 cấp độ: thứ nhất là thị trường phát điện cạnh tranh, được thực hiện từ năm 2011; thứ hai là thị trường bán buôn điện cạnh tranh, triển khai từ 2018 với sự tham gia của các tổng công ty lớn ngoài Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN); và thứ ba là bán lẻ cạnh tranh dự kiến tới năm 2024 bắt đầu thực hiện sau khi có tổng kết thí điểm từ năm 2021 để đảm bảo ổn định và tính khả thi hiệu quả của mô hình này.
“Đến năm 2024 thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm điều đó”, ông Tuấn Anh khẳng định. Bên cạnh đó, theo ông Tuấn Anh, thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh cũng sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư đặc biệt là khu vực tư nhân tiếp tục đầu tư vào thị trường năng lượng, tạo điều kiện phát triển năng lượng bền vững cho các mục tiêu phát triển KT-XH.
Theo Bộ Công thương, từ ngày 1.7.2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành (cấp độ 1 của lộ trình). Theo đó, các đơn vị phát điện tham gia thị trường điện chào giá cạnh tranh trên thị trường điện giao ngay để bán điện cho đơn vị mua điện duy nhất (EVN). Số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường điện đã tăng dần theo thời gian. Năm 2012 mới chỉ có 32 nhà máy với tổng công suất 9.200 MW thì đến ngày 31.3.2020, đã có 98 nhà máy điện trực tiếp tham gia cạnh tranh trên thị trường với tổng công suất đạt là 26.895 MW.
Thị trường bán buôn điện đã được đưa vào vận hành từ ngày 1.1.2019. Theo đó, EVN không còn là đơn vị mua buôn điện duy nhất như trước đây, đã có thêm 5 tổng công ty điện lực (Tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP.Hà Nội, TP.HCM) trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
|
Trao đổi lại, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Hoàng Quang Hàm đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm hơn tới việc tạo môi trường cạnh tranh. Ông Hàm dẫn chứng trong câu chuyện sản lượng điện cam kết mua bán (QC) thì nhà máy sản xuất được 8, nhưng Bộ Công thương chỉ cam kết mua 6 phần còn 2 phần thì mua theo giá thị trường là không ổn. “Đúng là nhà nước độc quyền về giá điện nhưng là độc quyền nhà nước chứ không phải độc quyền doanh nghiệp”, ông Hàm nêu.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng cho rằng hiện nay, thị trường bán buôn điện vẫn chưa thực sự cạnh tranh mà vẫn tập trung ở EVN do cả 5 tổng công ty điện lực tham gia bán buôn điện hiện nay thực chất đều thuộc EVN.
9 lần điều chỉnh, giá điện chỉ tăng
Tại phiên giải trình, ĐB Hoàng Quang Hàm băn khoăn từ năm 2011 tới nay, đã qua 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện song giá điện đều tăng chứ chưa bao giờ giảm và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành bán lẻ, giá điện chưa hợp lý.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thực tế thời gian qua chúng ta chưa có cơ hội để cân đối và đảm bảo giá thành của giá điện sản xuất của EVN và các doanh nghiệp đầu tư nên trên thực tế giá điện chưa thể giảm. “Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng tới đây hình thành thị trường cạnh tranh thì công khai, đảm bảo giá điện có lên, có xuống và phù hợp với vận hành của thị trường”, ông Tuấn Anh nêu.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn tới là đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, ông Hiển cho rằng phải đổi mới tư duy, phải thực hiện các nguyên tắc của cơ chế thị trường: quan hệ cung cầu, cạnh tranh, giá trị - giá cả, hiệu quả nhưng cũng phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa: điều tiết, an sinh, phúc lợi xã hội, vùng sâu vùng xa...
Bình luận (0)