Giá điện thế nào cho hợp lý?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
24/10/2024 06:17 GMT+7

Một trong những vấn đề được Quốc hội dự kiến tập trung thảo luận tại kỳ họp lần này là các nguyên tắc định giá điện được quy định trong luật Điện lực sửa đổi. Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tính đúng, đủ; xóa bù chéo

Đó là những vấn đề mà nhiều chuyên gia góp ý tại dự án luật Điện lực sửa đổi vừa được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình Quốc hội ngày 21.10 vừa qua. Trong đó, nội dung đáng chú ý liên quan đến các quy định giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

Cho rằng cơ cấu giá điện phải đạt mục tiêu minh bạch các thành phần và nhà nước không can thiệp quá sâu vào điều hành giá điện, chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nhấn mạnh: Đã đến lúc cần phải đổi mới, đột phá về chính sách giá điện, về cơ chế quản lý, điều tiết giá điện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55, đưa vào luật Điện lực sửa đổi. 

Ông Thỏa phân tích Nghị quyết số 55 đã định hướng rõ là áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, minh bạch giá mua bán điện, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền… Vì thế, theo ông Thỏa: "Các quy định cụ thể trong nguyên tắc định giá điện trong luật Điện lực sửa đổi cứ theo chủ trương từ nghị quyết mà làm, phải luật hóa nghị quyết, đưa vào thực tiễn điều hành giá".

Giá điện thế nào cho hợp lý?- Ảnh 1.

Cơ cấu giá điện phải đạt mục tiêu minh bạch các thành phần và nhà nước không can thiệp quá sâu vào điều hành giá điện

Ảnh: EVNSPC

Cụ thể, trong nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. "Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, tự nó sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm… Thứ 2, giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền. Thứ 3, không đưa các nội dung "Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện; giá bán điện ở vùng biên giới, hải đảo; Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội" vào chính sách giá mà phải đưa vào mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện", chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm.

Trước đó, thẩm tra dự án luật Điện lực sửa đổi, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã đề nghị Bộ Công thương làm rõ một số nội dung về giá điện, về việc xóa bù chéo. Theo cơ quan này, dự thảo luật Điện lực sửa đổi chưa làm rõ một số vấn đề liên quan giá điện, chưa có quy định, nguyên tắc minh bạch các thành phần của giá, trong đó bao gồm khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, xa. Các khoản này vẫn được hạch toán vào giá điện nhưng cần tách bạch cụ thể và có lộ trình tiến tới lấy ngân sách để chi hoặc nguồn tài chính khác phù hợp để chi. Tương tự, cơ cấu các nguồn điện cũng cần phải có chính sách hợp lý trong luật Điện lực sửa đổi, có lộ trình giảm dần tiến đến xóa bỏ các dự án nguồn sử dụng công nghệ lạc hậu; có chính sách ưu tiên với dự án có đầu tư hệ thống pin lưu trữ phù hợp an toàn hệ thống điện và giá điện hợp lý.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong góp ý luật sửa đổi cần bổ sung quy định liên quan đến bảo đảm quyền tự do thỏa thuận giá mua bán điện trực tiếp giữa người mua và người bán điện trên thị trường điện cạnh tranh mà không cần nằm trong khung giá của Tập đoàn điện lực VN (EVN), kể cả có hay không có hòa mạng điện truyền tải của EVN. Đặc biệt đối với nguồn điện tái tạo, Quy hoạch điện 8 hướng tới VN sẽ có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ đến năm 2050, điện tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 80%) trong nguồn điện ở VN, trong khi chi phí đầu tư cho nguồn điện này ngày càng giảm như là xu hướng chung của thế giới. "Điều này đồng nghĩa với giá điện bán lẻ ở VN cũng sẽ đảo chiều, ngày càng giảm, thay vì chỉ tăng một chiều liên tục như hiện nay", TS Phong bổ sung.

Minh bạch các thành phần và cơ chế giá điện 2 thành phần

Muốn giải quyết những vấn đề trên, theo các chuyên gia, phải minh bạch các thành phần trong cơ cấu giá điện và quy định rõ giá điện 2 thành phần trong luật. Ông Nguyễn Minh Phong nói: "Cần bổ sung nguyên tắc xác định và áp dụng giá điện 2 thành phần; giá điện giờ cao điểm và thấp điểm; giá điện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, cần bổ sung yêu cầu và giải pháp đảm bảo tính ổn định giá điện (mức giá và thời gian tối thiểu) và đảm bảo giá điện có tính thị trường minh bạch cao; có tăng, có giảm, chứ không chỉ tăng một chiều và tăng theo đề nghị và giải trình chỉ của EVN…".

GS-TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia năng lượng, lại cho rằng vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả. Trên thế giới, mỗi quốc gia có cách khác nhau trong tính giá điện. Tuy nhiên, cách nào đi nữa cũng phải bảo đảm tính đúng, đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Thông thường cơ cấu biểu giá đều mang 2 thành phần, gồm giá công suất (giá thuê bao) và giá điện năng. Trả tiền thuê bao xong rồi dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Tuy nhiên, hệ thống giá điện của VN hiện lại áp dụng giá bán lẻ điện bình quân. Muốn điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường, luật Điện lực sửa đổi cần có quy định giá điện 2 thành phần; cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường.

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia năng lượng nhấn mạnh cơ chế giá điện 2 thành phần mà Bộ Công thương đang xây dựng, nếu được đưa vào luật Điện lực sửa đổi, trong tương lai, sẽ giúp điều hành giá điện được công bằng hơn, bởi nó phản ánh chính xác chi phí ngành điện phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, như chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng. Qua đó, có tác dụng giúp người dùng điện biết được lượng điện mình sử dụng thế nào để điều chỉnh hiệu quả.

TS Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia năng lượng - Hiệp hội Năng lượng VN, phân tích bối cảnh cơ cấu các nguồn điện cần được chuyển đổi, tiến tới giảm phát thải, các nguồn điện tái tạo được ưu tiên phát triển nhưng lại không ổn định. Trong bối cảnh này, việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, sử dụng nguồn hợp lý. Chẳng hạn, các nhà máy nhiệt điện than hoạt động nhưng không phát lên lưới vẫn được trả tiền công suất do các tổ máy vào vận hành theo yêu cầu điều độ của hệ thống điện. Chi phí vận hành bao gồm các chi phí cố định như khấu hao, chi phí nhân công, chi phí sửa chữa, chi phí tài chính và các chi phí biến đổi. 

Ông Hoạch nhấn mạnh: "Giá mua điện 2 thành phần sẽ là cú hích cho phát triển điện khí LNG và thủy điện tích năng. Bởi nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn toàn hệ thống, nhưng lại hoạt động không ổn định. Lúc đó, các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, điện khí phải đóng thêm vai trò dự phòng, chạy nền. Trong quá trình chuyển dịch, điện than phải nhường cho điện tái tạo phát nhưng luôn trực sẵn để bù đắp cho sự không ổn định của điện mặt trời, điện gió. Luật đưa vào quy định giá điện 2 thành phần rõ ràng, ngoài việc giúp người dùng điện cơ cấu lại nhu cầu sử dụng điện hợp lý, còn giúp tạo sức hút các nhà đầu tư tham gia phát triển các nguồn điện lớn, mang lại lợi ích để phát triển kinh tế - xã hội". 

GS-TS Trần Đình Long, Viện Điện lực VN, lưu ý dù có cơ chế mua bán điện trực tiếp, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện. Do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh tại 3 khâu quan trọng gồm phát điện, bán buôn và bán lẻ. Hiện các đơn vị bán buôn điện đều thuộc các tổng công ty trực thuộc EVN. Do vậy, luật Điện lực sửa đổi cần thể hiện các quy định rõ ràng để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.