Chúng tôi lớn lên trong vòng tay của bà và có một tuổi thơ luôn muốn có vé để quay về. Những ngày đó, lúc nào cũng mong nghỉ hè để về quê ngoại cả tháng, tha hồ ra đầm hái sen, ra ruộng mót khoai và chèo thuyền ra giữa ao vớt bèo, mò ốc. Năm tháng trôi đi thật mau, những đứa cháu của bà đều đi học, đi làm xa, có gia đình riêng, một năm vài lần về thăm bà.
Bà ngoại ở một mình, các chú dì chạy qua lại mua đồ ăn cho bà, sắm cho bà điện thoại để lúc nào cũng có thể cập nhật tình hình. Nhiều tối tôi gọi điện cho bà, vừa thấy giọng nói quen thuộc “bà ơi, là con đây”, bà rất mừng rỡ kể đang xem ti vi, rồi khoe cây nhãn năm nay sai hoa, đàn gà mới nuôi ra sao, dịch bệnh Covid-19 ở quê đang diễn biến thế nào... Câu chuyên râm ran chẳng muốn có kết thúc. Lần nào cũng thế, câu cuối, bà luôn dặn dò “nhớ giữ gìn sức khỏe”.
Có thể đãng trí, mắt kém hơn, lãng tai hơn, hay lặp lại những gì đã nói, có những câu chuyện bà kể đi kể lại tới cả trăm lần tới lúc các cháu thuộc làu, nhưng để bà vui nhiều lần chúng tôi vẫn kiếm cớ hỏi để được bà kể lại. Mỗi người già như một thư viện sống, trong đó là tất cả những kiến thức sống động mà chúng tôi có đọc nhiều cuốn sách đến mấy cũng chẳng thể nào sâu sắc bằng.
Tôi còn nhớ mãi một lần bà trách yêu một cô em họ của tôi, khi thấy bà xách giỏ tới thăm, em mở cửa và hỏi “bà đi đâu đấy?”. “Bà đi xin gạo đây, bà đói quá”, bà đáp, cô em họ của tôi bẽn lẽn. Nhân câu chuyện đó, bà dạy chúng tôi lời ăn tiếng nói hằng ngày, cách đối nhân xử thế, những câu hỏi tưởng chừng vô hại nhưng khiến người đối diện tổn thương.
Covid-19 ở toàn cầu đang là những thách thức, để con người nhận ra sức khỏe của mình và những người thân yêu quan trọng như thế nào. Không phải tiền tài, sự nghiệp, trong những biến cố, những điều bình dị, thân thuộc nhất lại là giá trị nhiều người ao ước. “Giá như tôi có thể về thăm bà của mình”, “Giá như lúc này, tôi được nằm cạnh bà, được bà kể cho đủ chuyện ngày xửa ngày xưa”, nhiều người trẻ, khi đã mệt nhoài với cuộc sống ở phồn hoa đô thị, một chiều buồn quạnh vắng đã thốt lên. Một chuyến về quê đâu có khó đến mức phải “giá như”, nhưng nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội được làm nó, khi còn có thể.
Một người bạn thân kể với tôi, khi bà nội của cô mất, cô đã khóc rất lâu khi ngồi trước tủ quần áo bà để lại. Hàng chục chiếc áo mới tinh, bà chưa mặc một lần. Bạn hay mua thuốc bổ, quần áo và gửi về tặng bà, nhưng những chuyến thăm hỏi thì luôn có lý do để trì hoãn. Cho đến một ngày, bà đi xa mãi, có hối tiếc cũng không còn kịp nữa.
“Bà ơi, bà có khỏe không?”, khi cô con gái biết cầm điện thoại gọi về cho mẹ tôi, tôi đã mất mấy giây để sững lại. Đó là một cảm giác muốn khóc. Con cháu sẽ nhìn cách chúng ta đối xử như thế nào với ông bà của mình và làm như thế, với chính chúng ta. Sách dạy trẻ em hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, nhưng chỉ đọc sách cho con thôi chắc là chưa đủ, chúng ta cần làm những gì đó thiết thực hơn. Những cuộc gọi thăm hỏi ông bà, những lời động viên tinh thần, cái nắm tay ông, bà để sẻ chia, hơn tất cả những bộ quần áo đắt tiền hay hộp thuốc bổ, đó mới là điều quý giá nhất.
Bình luận (0)