Đó là ngày con có cô giáo mới. Vừa dắt con vào tới cổng trường, cô đã níu tay tôi lại phàn nàn, nào là con ăn ít, hay nói chuyện với các bạn, không tập trung khi cô hướng dẫn tô màu làm việc nhóm, lúc ngủ cũng nói chuyện riêng... Cả ngày hôm đó tôi đi làm mà suy nghĩ mãi. Mình là một người mẹ kém cỏi, có phải con không bình thường, con khác biệt với các bạn, con có đang mắc một hội chứng nào không? Thế rồi tối về, tôi nói chuyện với con, mặc dù con đã nhận lỗi, khoanh tay và hứa sẽ không như thế nữa nhưng tôi vẫn rất nghiêm khắc nói tôi thật sự rất buồn.
Sau giờ ăn cơm, rồi trước khi đi ngủ, tôi tiếp tục lặp lại. Lần này nhắc nhở xong, tôi để con ngồi đó suy nghĩ về việc mình làm. Con tôi òa lên khóc nức nở giống như không hiểu vì sao con bị mẹ xa lánh và ghét bỏ như thế. Tôi chạy tới ôm con, sực tỉnh. Không phải tôi đang dạy con nữa. Chính sự ích kỷ, chỉ muốn con hoàn hảo đã trút lên con sự giận dữ. Một đứa trẻ 3 tuổi, không phải là một người lớn thu nhỏ, và kể cả là người lớn, chúng ta cũng từng và nhiều lần mắc lỗi.
Tôi tình cờ đọc được câu chuyện rất hay, nguyên tắc bút mực xanh trong việc nuôi dạy con của một người phụ nữ. Chị là parent coach (người đồng hành cùng cha mẹ trong nuôi dạy con, cung cấp, định hướng nhiều kiến thức...), đồng thời là một người mẹ. Theo đó, khi dạy con học, thay vì dùng bút màu đỏ đánh dấu, gạch chân những lỗi sai thì người mẹ sẽ dùng bút màu xanh để khoanh tròn những phần bé viết đúng.
Màu đỏ thường khiến trí não con người nhớ về nó rất lâu. Cứ mãi nhìn và ám ảnh về những lầm lỗi của mình không phải là cách khiến trẻ thêm tự tin và làm thêm được nhiều thành tựu. Thay vì đó, nét mực xanh sẽ động viên để trẻ biết rằng, hôm nay con đã tiến bộ hơn hôm qua. Nguyên tắc ấy khiến tôi vỡ ra được rất nhiều điều.
Tôi và nhiều cha mẹ hiện đại thường bị ám ảnh về lỗi lầm của con cái và cả những điều chúng ta cho rằng con thua kém hơn bạn bè cùng trang lứa. Ta thường nghĩ con mình gầy hơn, thấp hơn các bạn, kết quả học tập kém hơn và những năng khiếu ngoại khóa thì chẳng bằng một góc với con của bạn bè mình. Từ những so sánh đó, ta khoác lên con những chiếc áo quá rộng, để con bơi trong đủ môn học mà chưa hẳn con đã thích, ép con ăn dù con đã khóc mếu “con không đói” và ngày ngày cho con nghe những bài ca “con nhà người ta”.
Nhưng không chỉ có đứa trẻ luôn bị cha mẹ ghi “bút mực đỏ” cho những lỗi lầm đã qua. Chúng ta - những người làm cha mẹ, nhìn ngẫm lại, thường tự ti với chính bản thân mình, buồn mãi về những gì chưa thể làm được trong quá khứ, tự dằn vặt khi đã trót làm ai tổn thương. Chúng ta chìa ra đôi tay, sự cởi mở với những người xung quanh nhưng lại không cho bản thân sự đối xử công bằng. Như thế có hạnh phúc không?
Chẳng có cha mẹ nào làm cho con mình an yên, hạnh phúc nếu chính mình bất ổn. Cảm ơn bản thân ngày hôm nay, dù cho biến động nào đã xảy ra, tôi nghĩ là sự cần thiết. Mua về một bữa ăn ngon, cắm một bình hoa, pha một ấm trà, ngồi yên đó đọc vài chục trang sách thay vì lúc nào cũng chạy đôn đáo chợ búa, cơm nước, đổ rác. Giản đơn thế thôi. Mỗi cha mẹ, đôi lúc nên viết bút mực xanh trong chính tâm mình...
Bình luận (0)