Gia đình dấu yêu: Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình

27/06/2021 09:09 GMT+7

Nuôi dạy con cái cần một chút khéo léo, một chút kiên nhẫn, một chút vị tha… Người ta thường thêm thắt vào cái túi hành trang gia đình mà mỗi người chuẩn bị lên chức 'bố', 'mẹ' nhiều đức tính khác nữa.

Vậy nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không hề có một mẫu đáp án chung nào cho chuyện nhà của tất cả. Và chỉ chúng ta mới biết phải thay đổi thế nào, uốn nắn bản thân mình thế nào để đem lại nụ cười cho con trẻ, hạnh phúc cho mái ấm gia đình.
Nhớ những ngày cuối năm học chuẩn bị bước sang kỳ nghỉ hè, con gái 5 tuổi của tôi bất chợt mắc tật “tiểu láu”. Dịp cuối tuần ở nhà, tôi mới phát hiện ra con thường đi vệ sinh liên tục. Hỏi thì con bảo con muốn đi tiểu nhưng lượng nước tiểu không nhiều. Nghiêm mặt, tôi khe khắt hỏi chuyện cả ngày ở lớp con có thường xuyên như vậy không, con bé lấm lét gật đầu.
Tôi nóng giận đe nẹt con về thói quen đi tiểu nhiều lần sẽ tạo ra nhiều hệ lụy sau này. Tôi nôn nóng la mắng con chấm dứt cái tật xấu vừa mới nảy sinh khoảng một tuần nay. Suốt hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi chú ý theo dõi con từng chút và phát hiện ra con hoàn toàn không lặp lại biểu hiện ấy.
Sáng hôm sau đưa con đến lớp, tôi cố dịu giọng nhắc nhở con đừng lặp lại hành động “tiểu láu”. Vậy mà tan học, khi vừa đến cửa lớp đón con, con bé nhìn ra thấy mẹ lại vội vàng xin cô giáo vào phòng vệ sinh. Lửa giận trong lòng tôi bừng lên. Tôi xách cặp con và đi thẳng ra lấy xe, không nói với con lời nào. Con bé dường như cảm nhận rõ hơn về cơn giận của mẹ, lủi thủi theo sau.
Khi con leo lên yên sau, tôi thấy ánh mắt vừa buồn vừa sợ vừa lo của con nhìn mình. Lòng thoáng chút bối rối, nhưng tôi cũng buông thõng câu đe nẹt “Về nhà và ăn roi”. Xe lăn bánh trên con đường từ trường về nhà khoảng năm cây số. Như một thước phim quay chậm, từng mảng miếng ký ức lại hiện lên chắp vá trong đầu, in hằn ánh mắt sợ sệt, khuôn mặt lo lắng của con…
Đến ngã ba, thay vì rẽ trái để về nhà, tôi quay ngược lên phố. Con bé ngồi sau vẫn im thin thít. Xe dừng lại trước quán cà phê đẹp nhất con đường Nhật Lệ. Bé con líu ríu theo chân mẹ vào quán. Tôi gọi cho mình một ly cà phê và một ly kem cho con.
Đến tận lúc này, con bé mới khoe nụ cười toe toét bày ra nguyên hàm răng sún. Khuôn mặt con bừng sáng với đôi môi chúm chím hỏi khéo: “Ồ! Không phải ăn roi mà lại là ăn kem vậy ta?”. Cơn giận suốt mấy ngày qua trong tôi tan biến hẳn, tôi và con cùng nói về cái tật “tiểu láu” trong một không gian khác, tâm thế khác.
Không còn là một người mẹ hỏi dồn dập, một đứa con sợ hãi trả lời mà hai mẹ con thủng thẳng ăn kem và cười. Con kể mình và các bạn thường rủ nhau vào nhà vệ sinh bắt muỗi rồi quen chân. Với lại buổi trưa con thường không ngủ được, thế là kiếm cớ xin cô giáo cho đi vệ sinh. Còn chuyện “tiểu láu” hễ quên thì thôi, còn cứ nhớ ra là muốn đi tiểu. Mẹ càng la mắng nhiều, càng lo lắng nhiều là càng đi tiểu nhiều.
Rủ rỉ rù rì khuyên con suốt buổi chiều muộn, con hứa sẽ cố gắng không “tiểu láu” nữa. Hai mẹ con trả tiền cho chỗ ngồi máy lạnh giữa không gian ăm ắp nắng hanh vàng và hầm hập nóng gần một trăm nghìn. Mẹ nhăn mặt bảo lần đầu tiên hai mẹ con xài sang quá.
Nhưng chẳng tiếc tiền nhiều đâu, bởi đổi lại là nụ cười tươi tắn, vẻ mặt rạng ngời, ánh mắt tự tin của con mới là điều quý giá nhất. May quá! Nếu chạy xe về thẳng nhà, ba roi là con số ít nhất dành cho con, nước mắt con, nước mắt mẹ giàn giụa và cái tật “tiểu láu” cũng chẳng thể nào sửa được.
Và giờ thì quán nước sang trọng trên con đường ấy bỗng được hai mẹ con đặt cho một cái tên mới toanh: “Quán ăn roi”! Như một kỷ niệm đẹp, một ký ức lung linh dặn người mẹ như tôi bình tĩnh hơn, nhẫn nại hơn, yêu thương nhiều hơn.
Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình… Nụ cười của con làm tôi phải thay đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.