Gia đình dấu yêu: Mùa dịch, ở nhà cho lành

06/06/2021 09:46 GMT+7

Dịch bệnh bủa vây gieo rắc ám ảnh suốt hơn một năm qua buộc người ta phải chọn cho mình tâm thế sống khác đi, sống chất hơn và sống quây quần bên nhau nhiều đến không tưởng.

Từ chính những ngày cuồng chân vì lệnh giãn cách xã hội ấy, duyên lành lại khẽ khàng gieo thành muôn “quả ngọt” thắm tươi...
Nhà bên có ông chồng thường đi sớm về muộn với lý do công việc. Mỗi tuần đều la cà quán xá năm lần bảy lượt đến tận lúc mặt trời tắt bóng, gà lên chuồng từ hồi nảo hồi nào mới bước chân vào bậc thềm nhà. Việc nhà phó mặc cho vợ, việc nuôi dạy con cái cũng giao khoán tất tần tật rồi thảnh thơi như trai chưa vợ, thong dong như gã đàn ông chẳng vướng bận chuyện gia đình.
Cuộc đời cứ phơi phới và rộn rã niềm vui như thế cho đến khi con vi rút mang cái tên đỏng đảnh “cô Vy” ghé qua càn quét nhịp sống yên bình của hiện tại. Năm đầu gắng gượng, hoang mang, hớt hải sống chung với “cô Vy”. Năm hai cũng chao đảo, lao xao sống cùng “cô Vy”, nhưng dường như mọi thứ đã vơi bớt chênh chao, hoang hoải hơn trước.
“Mùa dịch, ở nhà cho lành!”. Hai đứa trẻ con vỗ tay reo ầm lên khi ông bố trong nhà từ chối khéo bạn bè đang rủ rê nhau gầy cuộc vui bên sân nhà ai đó có cô vợ dễ tính thường gật đầu cái rụp mỗi lúc chồng kéo bạn về nhà nhậu nhẹt. “Ai biết được trong đám bạn nhậu ấy có F không? Vừa nhậu vừa nơm nớp lo bị phát hiện rồi phê bình, kiểm điểm nữa…”, anh vừa cười vừa phân bua trước ánh mắt lấp lánh niềm vui của người phụ nữ yêu thương trong nhà.
Thế là nhà thêm một người vào mỗi sớm mai và chiều tà, lạ là góp thêm biết bao niềm vui vỡ òa trong tổ ấm nho nhỏ. Sáng sáng cùng vợ hò hét lũ trẻ rời giường để chạy đua cùng với ông mặt trời treo cao trên ngọn cây. Trưa rời công sở thay phiên nhau ngó nghiêng thức ăn trong tủ lạnh mà nấu nướng chiên xào. Chiều tà, vợ chồng con cái lại thong dong trên đường chạy trong công viên, khi tản bộ chuyện trò, lúc đá bóng ồn ã.
Mấy hôm sau, bọn trẻ được sắm mới đôi giày trượt và cặp vợt cầu lông. Hai đứa trẻ con lần đầu tập đi giày trượt cứ lóng ngóng và sợ sệt. Anh kiên nhẫn động viên con, tỉ mẩn giải thích cách giữ thăng bằng và huyên thuyên kể về niềm vui lúc bản thân chiến thắng nỗi sợ để lướt vun vút trên đôi giày thể thao đang “hot” của giới trẻ.
Bóng lưng vững chãi của người bố làm điểm tựa để hai đứa con thay phiên nhau bấu víu và dựa dẫm lần mò làm quen với mấy cái bánh xe “cứng đầu” cứ xoay liên miên. Rồi đôi tay anh cứng cáp đỡ nâng những vòng trượt đầu tiên của con trẻ trong tiếng cười nắc nẻ. Sau mấy hôm tập dượt mướt mồ hôi, hai đứa trẻ dần dà tách bố mẹ để chơi đùa với niềm vui riêng. Vợ chồng anh quay về với những cặp vợt cầu lông vận động đôi tay chắc khỏe.
Hôm rồi lân la trò chuyện cùng vợ chồng anh chị lúc hai đứa trẻ nhờ bố sửa lại đôi giày có chút trục trặc, chị bảo con vi rút ấy đã cho gia đình chị một cơ hội để gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và yêu thương nhiều hơn. Khi người ta chứng kiến ngày càng nhiều đứt gãy và vụn vỡ từ thảm kịch dịch bệnh nơi nơi, lòng bất chợt hốt hoảng đến tận cùng. Rồi lo toan sẽ dần dà vo tròn lại thành yêu thương, quan tâm và sẻ chia để biết trân quý nhiều hơn những điều hạnh phúc bé nhỏ và dung dị quanh mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.