Đó là một buổi sáng cuối tuần trong một tiệm cà phê ở TP.HCM. Quán khá đông, tôi ngồi kế hai mẹ con, em bé có khuôn mặt thanh thoát, thường xuyên hỏi mẹ những câu “vì sao”, “tại sao”. “Nào, làm đi con, đừng có ăn gian giờ giấc như thế”, người mẹ đáp lại. “Em bé nhà chị rất thông minh và dễ thương, chị thật may mắn”, tôi mở lời với chị. Người phụ nữ mới quen quay sang cười: “Em đừng dễ dãi với chúng nó, chúng nó sẽ được thể và leo lên đầu lên cổ em ngay. Nào, làm toán ngay, tại sao còn ngồi đó tô màu, suốt ngày tô hả”, chị la lớn.
Trong khi em bé làm toán, chúng tôi chuyện trò, quanh chuyện dạy dỗ những đứa trẻ. Chị kể bé gái này đi học tiếng Anh ở trung tâm từ lúc 5 tuổi. Chị gái của bé hơn bé 3 tuổi kín mít lịch học cả tuần, cả thứ bảy và chủ nhật với các môn tiếng Anh, vẽ, đàn guitar, bóng bàn, bơi lội.
“Các bé thích những môn đấy hả chị?”, tôi hỏi. “Mình phải định hướng chứ, chúng nó thì biết gì mà thích với không thích. Học bơi là vô cùng quan trọng. Guitar thì đi đâu cũng có thể hòa nhập biểu diễn. Bóng bàn thì là vì chị thích. Ngày xưa chị làm gì học nhiều cái như bây giờ, vì làm gì có tiền. Giờ bố mẹ có tiền thì con phải tranh thủ mà học”.
Tôi cũng không bất ngờ với lời giải thích, rất nhiều lần tôi đã gặp được những ước muốn tương tự như vậy. Bố ước mơ làm bác sĩ mà nhà nghèo, không có tiền để học y dược, giờ con phải ráng để làm được ước mơ đó cho bố. Mẹ từng ước được du học, giờ con cố học hành chăm chỉ để làm được phần việc đó cho mẹ… Nhiều lắm, những đứa trẻ ôm giấc mơ kế thừa từ cha mẹ.
Cha mẹ nào cũng mong những điều tuyệt vời nhất cho con, để tương lai của con bớt gập ghềnh hơn. Thế nhưng, cha mẹ liệu có sống bên con suốt đời để nhắc nhở, bảo ban con làm cái này đúng, cái kia sai? Không. Người lớn không thể suốt đời chịu trách nhiệm cho tất cả những sai lầm của con cái.
Trẻ em cần được giáo dục để tự ý thức chúng biết, chúng cần gì và muốn gì, sau đó nhờ những ý kiến đóng góp thêm của cha mẹ, để thành một con người dám nghĩ, dám làm, dám sai lầm, dám chịu trách nhiệm. Con học được nhiều từ thất bại và khôn lớn nhiều lên từ những mất mát. Chúng cũng sẽ trân trọng giá trị của thành công nhiều hơn, khi tự mình chọn lựa con đường mình đang đi...
Chúng ta rồi ai cũng sẽ có những đứa con, sẽ là nói dối, nếu ai đó cho rằng “tôi chẳng hy vọng gì về con mình cả”. Nhưng “hy vọng” phải chăng hay hơn “kỳ vọng”. Chúng ta hy vọng con khôn lớn, trở thành người nhân hậu, làm được những việc có ích cho mình, cho đời. Chúng ta không kỳ vọng con phải làm được tất cả những gì mà ngày xưa mình không làm được. Điều đó thật sự không công bằng. Ai cũng có một cuộc đời. Nên để cuộc đời đó nằm trong tay con.
Bình luận (0)