Cuộc binh biến thành Phan Yên (1833 - 1835) của Lê Văn Khôi

Gia Định Thành trước cơn bão dữ

28/12/2024 08:00 GMT+7

Cuộc nổi dậy thành Phan Yên (1833 - 1835) (tên cũ tỉnh Gia Định, theo Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị) là một biến động chính trị to lớn ở Nam kỳ, sau cuộc tiến công cuối cùng của Tây Sơn bị Nguyễn vương Ánh đẩy lui, phá vỡ nền hòa bình kéo dài hơn 30 năm.

Câu chuyện Lê Văn Khôi nổi dậy tạo binh biến thành Phan Yên (thường dùng là Phiên An) luôn được các nhà nghiên cứu và thế hệ hậu sinh quan tâm. Và với những công bố mới nhất từ nhiều nguồn tư liệu quý của nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ cho phép phục dựng lại "bức tranh" toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi một cách chi tiết. Từ đó, nhiều "bí ẩn" lịch sử giai đoạn này cũng được "giải mã" một cách kinh ngạc...

Gia Định Thành trước cơn bão dữ- Ảnh 1.

Gia Định thành và Phan Yên trấn trong An Nam đại quốc họa đồ của Taberd năm 1838

ẢNH: T.L TÁC GIẢ

Năm 1802, Nguyễn vương Ánh cất đại quân vượt sông Gianh tiến ra Bắc Hà. Triều đại Tây Sơn sụp đổ như núi lở. Nguyễn vương Ánh (vua Gia Long) lúc này đối mặt với nhiệm vụ mới là phải xây dựng một hệ thống cai trị mới cho lãnh thổ vừa thống nhất sau hơn hai thế kỷ chia cắt.

Trong những ngày đầu tiên mới vào Thăng Long, vua Gia Long phải viện đến kiến thức của một cựu thần Tây Sơn - Nguyễn Văn Dụng. Thông qua ông này, vua Gia Long tham khảo hệ thống thuế khóa của triều Tây Sơn thiết lập trên đất bắc. Nhà vua còn tiếp thu một tổ chức chính quyền của triều Tây Sơn, đó là hệ thống Bắc Thành.

Tiền thân của hệ thống Bắc Thành là một nhóm quan lại do Nguyễn Huệ để lại Thăng Long vào năm 1788, sau khi đã tiêu diệt Vũ Văn Nhậm. Đầu năm 1789, sau khi đã tạm thời ổn định tình hình ngoài bắc, hoàng đế Quang Trung quay về Phú Xuân. Tên gọi Bắc Thành là do nhà Tây Sơn đặt. Khi chuẩn bị quay về Phú Xuân vào tháng 9 năm Gia Long thứ nhất (1802), vua Gia Long đã âm thầm áp dụng lại hệ thống cai trị của Tây Sơn. Ông nói rằng: "Duy đất Bắc Hà vừa dẹp yên, dân vật đều mới, mà thành Thăng Long lại là nơi quan trọng của Bắc Hà, cần có trọng thần để trấn giữ mới được" (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1).

Gia Long bèn đặt ra chức Tổng trấn Bắc Thành để quản lý. Nhưng vua không hề xem Bắc Thành như một cơ cấu hành chính có tính chất tạm thời. Ngược lại, ông còn mở rộng nó xuống phía nam.

SỰ RA ĐỜI CỦA GIA ĐỊNH THÀNH

Năm Gia Long thứ 7 (1808), ông bắt đầu đặt ra Gia Định Thành. Trịnh Hoài Đức cho biết: "Gia Định lĩnh các việc binh, dân, phú, dịch của năm trấn Phan Yên, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên; xa lĩnh cả trấn Bình Thuận, phàm về việc binh [của Bình Thuận] phải theo sự tiết chế, phú dịch hình danh thì được kinh lý riêng".

Gia Định Thành trước cơn bão dữ- Ảnh 2.

Dấu kiềm Gia Định thành Tổng trấn chi ấn

Đứng đầu Gia Định Thành là Tổng trấn (quan võ) và Hiệp tổng trấn (quan văn), rồi về sau bổ sung thêm chức Phó tổng trấn. Bên dưới là một hệ thống quan lại hỗ trợ. Mặc dù có quy mô nhỏ hơn hẳn Bắc Thành, quy định năm 1808 đã là một sự mở rộng so với bộ máy Lưu trấn Gia Định bốn năm trước. Bấy giờ tại Gia Định mỗi ty chỉ có 100 người, và chỉ mới có 4 phòng: Hộ, Binh, Hình, Công. Cuối năm Gia Long thứ 12 (1813), vua Gia Long mới bắt đầu đặt bốn tào Hộ, Binh, Hình, Công ở Gia Định Thành. Gia Định Thành mỗi tháng hai lần phải phái người về kinh tâu việc.

Dưới thời Gia Long, vai trò cai trị được chia đều cho hai vị trí quan võ (Tổng trấn) và quan văn (Hiệp tổng trấn), rồi về sau được bổ sung thêm Phó tổng trấn. Các chức vụ đứng đầu Gia Định Thành được luân chuyển sau một thời gian nhất định. Điều này hẳn là nhằm đề phòng việc thiết lập mối liên kết quá chặt chẽ giữa người đứng đầu Gia Định Thành với các nhóm lợi ích tại địa phương. Sau khi vua Gia Long băng hà, thông lệ này đã bị người kế nhiệm phá vỡ. Vua Minh Mạng đã hoàn toàn ủy thác quyền cai trị cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt, dần dần phế bỏ hoàn toàn chức Hiệp tổng trấn rồi Phó tổng trấn. Đây là mầm mống tạo ra xung đột giữa chính quyền Gia Định Thành với triều đình Huế. (còn tiếp)

(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký - toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành).

Thành Phan Yên hay Thành Phiên An ?

Tỉnh 藩安 ngày nay thường được dịch là Phiên An. Nhưng trên Journal of the Asiatic Society of Bengal năm 1837 có ghi: "the second, Phan yên or Sài gòn, which is the fortified town of the same name" (trấn thứ hai, Phan Yên hay Sài Gòn, có thành trấn mang cùng tên). Từ điển do Giám mục Taberd ấn hành (năm 1838) cũng có mục từ "trấn", liệt kê tên các trấn trong cả nước, có kèm chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Ở đó, 藩安 cũng được phiên là Phan Yên.

Đại Nam quấc âm tự vị in năm 1895, tại mục từ "Yên", Huình Tịnh Của ghi: "Phan (Yên). Tên cũ tỉnh Gia-định". Tên gọi Phan Yên vẫn còn được sử dụng trong các ấn phẩm đến tận những năm đầu thế kỷ 20. Năm 1910, Diệp Văn Cương xuất bản tiểu thuyết Phan Yên ngoại sử. Sự thống nhất này cho phép chúng ta xác định tên gọi thời đó là Phan Yên, chứ không phải Phiên An như các bản dịch sử liệu ngày nay thường dùng.

Vì không còn được sử dụng trong các văn bản pháp quy cũng như trong đời sống thường nhật, tên gọi Phan Yên dần dần phai nhạt. Khoảng cuối thập niên 1920, những cách phiên âm khác xuất hiện. Năm 1926, trong ấn phẩm Lê Tả quân tiểu sử và linh sám xuất bản tại Hà Nội, tác giả đã dùng cách đọc thành Phan An, tỉnh Phan An. Trong bản dịch quốc ngữ Đại Nam liệt truyện tiền biên của triều đình Huế thực hiện để phát cho các trường học (năm 1929), cách đọc Phiên An đã xuất hiện. Cách phiên âm Phan Yên, Phan An và Phiên An vẫn được các dịch giả và tác giả khác sử dụng. Đáng chú ý là bản dịch Gia Định thành thông chí năm 1972 và 1998 đều dùng Phiên An. Vì đây là tư liệu hàng đầu để nghiên cứu về lịch sử, địa lý và văn hóa Nam kỳ nên cách đọc Phiên An dần chiếm ưu thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.