Tạp ghi sử Việt của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Võ tiên sinh đất Gia Định

08/10/2024 06:30 GMT+7

Gia Định tam gia là ba nhà văn thơ rất nổi tiếng ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 đều học trò của Võ Trường Toản tiên sinh, gồm: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh. Thơ văn của 3 ông này đã in thành sách Gia Định tam gia thi tập còn truyền đến ngày nay.

Võ Trường Toản, nhà văn hóa bậc thầy của Sài Gòn xưa, quê Gia Định (H.Bình Dương), ở làng Hòa Hưng (hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 và Q.10 nay). Cụ mất ngày 9.6 năm Nhâm Tý (1792), chưa biết sinh năm nào.

Võ tiên sinh đất Gia Định- Ảnh 1.

Tượng cụ Võ Trường Toản ở Ba Tri (Bến Tre)

ẢNH: T.L LÊ NGUYỄN

Tiểu sử cụ được Phan Thanh Giản tóm tắt như sau: Tiên sinh tính Võ, húy Trường Toản; đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Thừa Thiên), hoặc nói là người Bình Dương (Gia Định), trước học ai hiện chưa rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật, có thuật nghiệp uyên thâm, thông đạt. Xảy hồi biến động Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn, mở trường dạy học, học trò kể có mấy trăm. Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Bậc thượng hạng là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tĩnh. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Túc, ở ẩn dật, ngoài ra không kể hết được. Các ông ấy đều gặp hồi phong vân, thời trung hưng... thảy đều nên công nghiệp lớn trong đời.

Võ tiên sinh là người ẩn dật, không làm quan với cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn. Ẩn dật với chính quyền - bất kể chính quyền nào - mà không ẩn dật với xã hội: Tiên sinh đã mở trường dạy bảo hàng trăm học sinh, nhiều người đỗ đạt làm quan lớn, nhiều người chỉ học để sống cho có đạo lý. Song tất cả đều là hào khí Đồng Nai. Hào khí ấy, được tiên sinh hun đúc cho người đương thời và còn tồn tại mãi về sau.

Nhóm thi văn tao đàn Hội Sơn xưa ở Sài Gòn cũng từng theo học Võ tiên sinh, họ là: Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tĩnh, Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng... Nếu Trịnh Hoài Đức làm "chủ soái" Gia Định tam gia và Hội Sơn thì Ngô Nhơn Tĩnh lại đứng đầu Bình Dương thi xã nổi danh phong nhã. Tĩnh là người "viết đẹp, vẽ tài" nhất đương thời.

Học trò của Võ Trường Toản không phân biệt người Việt hay Minh Hương, trong số này nổi danh hơn cả là Trịnh Hoài Đức gốc Phước Kiến và Ngô Nhơn Tĩnh gốc Quảng Đông. Song toàn thể đều ca tụng cảnh vật bằng quốc âm: Đất uyên cõi Việt rừng nho rậm. Hay: Phủ Gia Định! Phủ Gia Định! Nhà đủ người no chốn chốn. Xứ Sài Gòn! Xứ Sài Gòn! Ở ăn vui thú nơi nơi.../Đông đảo thay phường Mỹ Hội/Sum nghiêm bấy làng Tân Khai.... Gái nhơ nhởn tay vòng tay xuyến/Trai xênh xang chân hớn chân hài.

Họ là bọn xuất sĩ, không chỉ làm thơ văn yêu nước, mến cảnh Sài Gòn, mà còn đem tài năng ra thi thố lập được nhiều công danh, như Ngô Tùng Châu từng làm sư phó dạy Hoàng tử Cảnh, Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Binh, Lê Quang Định làm Thượng thư bộ Hộ kiêm quản Khâm thiên giám, Ngô Nhơn Tĩnh làm Thượng thư bộ Công lãnh chức Hiệp trấn thành Gia Định... Họ cũng cầm đầu ngành ngoại giao: Năm 1801, chánh sứ Trịnh Hoài Đức cùng hai phó sứ Ngô Nhơn Tĩnh và Hoàng Ngọc Ẩn đi sứ Trung Quốc để báo tin thắng thế; Năm 1802, chánh sứ Lê Quang Định cũng đi Trung Quốc để cầu phong và xin đổi quốc hiệu (bỏ tên An Nam, lấy tên Nam Việt, nhưng vua Thanh chỉ nhận đổi là Việt Nam); Năm 1807, chánh sứ Ngô Nhơn Tĩnh đi La Bích để phong vương cho vua Chân Lạp. Ngoài ra, họ còn trước tác các công trình "khoa học sử địa": Trịnh Hoài Đức với Gia Định thành thông chí, Lê Quang Định với Đại Việt thống nhất dư địa chí. Ngô Nhơn Tĩnh (và chủ biên Bùi Dương Lịch) với Nghệ An phong thổ ký. Ở thời điểm này, phỉ những học trò của Võ Trường Toản đã thấm nhuần nền giáo dục "thật chất, có thuật nghiệp uyên thâm, thông đạt", khó ai thực hiện được những công trình khoa học và bác học ấy.

Lúc 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ mất vào tay Pháp, nhóm sĩ phu Phan Thanh Giản (cũng gốc Minh Hương), Nguyễn Thông, Phạm Hữu Chánh, Võ Gia Hội, Trương Ngọc Lang liền lo việc dựng mộ bia và di chuyển hài cốt Võ tiên sinh từ làng Hòa Hưng (Chí Hòa nay) về làng Bảo Thạnh (Bến Tre) nơi quê hương Phan Thanh Giản. Nhưng lúc bia đang dựng thì thực dân Pháp đã chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Trên mộ bia ở Hòa Hưng cũng như ở Bảo Thạnh, vẫn luôn có huy hiệu khắc trên đá Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh do chúa Nguyễn Ánh truy tặng. Đây là xử sĩ có công đầu trong sự nghiệp tạo hào khí Đồng Nai.

Suốt thời gian miền Nam chịu lệ thuộc và ảnh hưởng ngoại bang (1867-1975), rất ít ai nhắc đến Võ Trường Toản, ngoại trừ hai tác giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh và Nam Xuân Thọ đã nghiêm túc nghiên cứu sự nghiệp đào tạo nhân tài và hào khí của vị xử sĩ. Mong rằng, sẽ có những công trình nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc về nhà văn hóa bậc thầy này trong một ngày không xa. (còn tiếp) 

(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.