Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được ký hợp đồng tác quyền trọn đời các tác phẩm

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/11/2022 12:56 GMT+7

Sáng 14.11, tại nhà riêng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (TP.HCM), đại diện NXB Trẻ đã đến thăm, chúc mừng sức khỏe ông và tiến hành ký kết hợp đồng tác quyền trọn đời các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Trước nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đại diện NXB Trẻ cũng từng ký tác quyền trọn đời với các nhà văn, nhà nghiên cứu như Sơn Nam, Trần Kim Trắc, Trang Thế Hy.

Việc ký tác quyền trọn đời cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thể hiện sự trân trọng và tấm lòng của đơn vị làm sách, đồng thời cũng là nguyện vọng của NXB Trẻ mong muốn đưa các tác phẩm nghiên cứu có giá trị đến với đông đảo bạn đọc. Đây là một trong những sự kiện hiếm hoi tại Việt Nam khi mà đơn vị xuất bản mua tác quyền trọn đời các tác phẩm từ một nhà nghiên cứu khi còn sống.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sáng 14.11

Việc ký tác quyền trọn đời cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thể hiện sự trân trọng và tấm lòng của đơn vị làm sách

Đại diện NXB Trẻ thăm hỏi, chúc mừng sức khỏe của ông

nxb trẻ

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu là một người con của thủ đô Hà Nội, đã vào Nam sinh sống và gắn bó với TP.HCM từ giữa thế kỷ trước (khoảng năm 1955). Ông có kiến thức sâu rộng về thành phố này với tư cách là một công dân, một nhà nghiên cứu sống giữa trung tâm (Bến Thành, Q.1), chứng kiến bao đổi thay của thành phố này.

30 năm gắn bó Hà Nội và hơn 70 năm sống tại Sài Gòn, học giả Nguyễn Đình Đầu vẫn nhớ như in chuyện xưa cũ: “Vô vàn các biến chuyển trong hơn 100 năm, giờ tóm gọn lại thì hơi khó nhưng tuổi thơ thì không quên chuyện nhà nghèo. Từ năm 6 tuổi, cứ 4 giờ sáng tôi thức dậy sớm phụ giúp mẹ đi bán hàng rong bằng nghề bánh cuốn. Giờ nhắc lại cho con cháu rằng ông, cha Nguyễn Đình Đầu rất giỏi tráng bánh cuốn, chả đứa nào tin, mà người quen thì lại càng không ngờ tôi làm được việc trái khoáy này. Khoảng 12 tuổi, tôi gia nhập hội đoàn truyền bá Quốc ngữ, hướng đạo, rồi phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo), sớm bộc lộ sự đam mê với các bản đồ cổ về Việt Nam. Rồi lại thất nghiệp, tôi làm thầy dạy học ở các trường tư trước khi trở thành nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.”, ông tâm sự.

Nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM (được thành phố tổ chức vào năm 1998) cũng là một dấu ấn trong hành trình nghiên cứu Sử - Địa của ông, khi ông được lãnh đạo Thành ủy lúc đó “đặt hàng” tham gia thực hiện công trình nghiên cứu về địa chí thành phố. Trong công trình này ông cùng làm việc với một số nhà trí thức lớn trong đó có các ông Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, vốn là những người cộng tác với NXB Trẻ vào thời điểm này.

Tác giả từng làm việc với một số nhà trí thức lớn trong đó có các ông Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, vốn là những người cộng tác với NXB Trẻ

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên NXB Trẻ Phan Thị Thu Hà (trái) ký hợp đồng tác quyền trọn đời các tác phẩm với học giả Nguyễn Đình Đầu

nxb trẻ

Như một định mệnh, ông Nguyễn Đình Đầu trở nên gắn bó dài lâu với NXB Trẻ cho đến tận bây giờ. Đó không chỉ là quan hệ công việc nghiêm túc và chuyên nghiệp mà còn là một mối thâm tình.

Với việc ký kết này, NXB Trẻ vinh dự được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trao quyền xuất bản (trọn đời) toàn bộ các tác phẩm của ông. Sau này, khi ông qua đời, nhuận bút xuất bản các tác phẩm của ông sẽ được NXB Trẻ chuyển vào quỹ văn hóa mang tên Quỹ Văn hóa Sử Địa Nguyễn Đình Đầu.

Các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trao quyền cho NXB Trẻ khai thác:

Địa bạ, gồm: Sơn Nam Thượng; Thanh Hoá; Nghệ An(cuốn 1); Nghệ An (cuốn 2); Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên; Quảng Nam(cuốn 1); Quảng Nam(cuốn 2); Quảng Ngãi; Bình Định(cuốn 1); Bình Định(cuốn 2); Bình Định (cuốn 3); Phú Yên; Khánh Hòa; Bình Thuận; Biên Hòa; Gia Định; Định Tường; Vĩnh Long; An Giang; Hà Tiên.

Sách khác ngoài địa bạ:

Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh; Quân điền Bình Định; Tạp ghi Việt Sử Địa tập 1; Tạp ghi Việt Sử Địa tập 2 (Hành trình của một tri thức dấn thân); Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3; Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép nôm, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu); Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức; Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷ; Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa; Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859; Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận(dịch và chú thích); Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ (dịch); 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP Hồ Chí Minh; Cố cả Léopold Cadière từ Việt Nam học đến Việt Nam hóa; From Saigon to Hochiminh City - 300 years history (tiếng Anh); De Saigon à Hochiminh Ville - 300 ans d’histoire (tiếng Pháp); Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký một nhà bác học và người yêu nước của Nam kỳ (của Jean Bouchot. Nguyễn Đình Đầu chú thích, giới thiệu); Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông (đang viết).

NHỮNG SÁCH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ IN TẠI NXB TRẺ (từ 2013 đến nay):

- Việt Nam quốc hiệu và cương vực - Hoàng Sa Trường Sa (in năm 2013)

- Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (in năm 2013)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 1 (in năm 2016)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 2 (in năm 2017)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3 (in năm 2020)

- Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, bản dịch và chú giải (in năm 2022)

SÁCH DỰ KIẾN IN TRONG NĂM 2023

- Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859

- Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh

- 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP Hồ Chí Minh

- Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép Nôm. Nguyễn Đình Đầu giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.