Gia đình trẻ kể chuyện trông con trong mùa dịch Covid-19

15/02/2020 19:08 GMT+7

Trông con trong những 'ngày tết dài vô tận' là câu chuyện không của riêng ai trong mùa dịch Covid-19 . Đặc biệt, với những gia đình trẻ, việc cân bằng giữa công việc và trông con là vấn đề không hề đơn giản.

Việc học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19 được đại đa số phụ huynh tán thành trong thời gian qua.
Có đến 88% người tham gia khảo sát trên Báo Thanh Niên chọn phương án cho con nghỉ học ở nhà tuần lễ 17 - 23.2 trong mùa dịch Covid-19 so với các phương án khác. Phóng viên Thanh Niên cũng ghi lại tâm sự của một số gia đình trẻ về câu chuyện trông con trong những "ngày tết dài vô tận". 

Xin ở nhà làm việc online

Chị Lê Thị Kim Yến, nhân viên marketing một công ty công nghệ ở Q.7, TP.HCM, cho rằng từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện, con cái được nghỉ học ở nhà, cuộc sống, công việc của Yến thay đổi một cách chóng mặt.
Là một bà mẹ trẻ, suốt một tuần qua Yến phải xin nghỉ ở nhà cùng chồng thay phiên để trông con. Tuần đầu, Yến xin nghỉ một phần thời gian, làm việc online tại nhà. Hai vợ chồng phải chia ca, chồng đi làm vợ ở nhà trông con và ngược lại. Đến tuần thứ 2 con tiếp tục nghỉ học, Yến và chồng không thể nghỉ làm được nữa. Yến phải “cầu viện” ông bà trông con giúp. Tuy vậy, ông bà cũng chỉ giúp đỡ một phần nào đó nên Yến phải để chồng nghỉ ở nhà lo liệu.
Yến chia sẻ: “Các cuộc họp quan trọng buộc phải có mặt ở công ty nên phải nhờ bà ngoại hỗ trợ phần nào. Tôi mà xin nghỉ hoài là chắc chắn cấp trên không cho rồi. Nhưng công việc thủ tục giấy tờ phải lên công ty. Sáng sớm lên công ty đo thân nhiệt, phải đeo khẩu trang suốt ngày, ngộp thở lắm. Còn tinh thần thì sợ Covid-19, vô thang máy đông người có khi tôi phải nín thở. Nói chung là mệt mỏi, thay đổi hoàn toàn cuộc sống vậy đó”.

Phần lớn phụ huynh ủng hộ cho cong nghỉ học ở nhà tránh dịch Covid-19

Lê Tân

Không những thế, bữa cơm gia đình trong dịch Covid-19 chỉ là tạm bợ, đụng đâu ăn đó. Hễ ai trông giữ con thì nấu cơm và ăn cùng con. Còn người nào đi làm thì tự ăn hoặc về nhà ăn sau sau cùng.
Xin nghỉ ở nhà để làm việc online từ những ngày sau tết, chị Dương Thu Trang (ngụ đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) hầu như không thấy bóng dáng đường phố khi ở nhà trông đứa con nghỉ học. Dịch Covid-19 đã lấy đi toàn bộ thời gian hoạt động bên ngoài của Trang.
Gia đình chị Trang hiện tại có 3 người, chồng và 1 người con trai 3 tuổi. Kể từ sau tết, trường mẫu giáo thông báo cho con nghỉ học, chị phải ở nhà xuyên suốt để trông con. Không như những gia đình khác, chồng chị Trang là lao động chính trong nhà, nên việc trông con chị phải đảm nhận. Do đó, chị phải xin nghỉ có mặt ở công ty đài hạn làm việc online tại nhà. Vừa làm việc, vừa trông con và ngại ra bên ngoài nên hầu hết thời gian chị đều ở nhà như tránh dịch Covid-19.
“Tôi làm việc hầu như qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Phân công hay giải quyết công việc thì cứ gọi điện suốt cả ngày. Vừa gọi vừa nhìn con, có khi vừa ôm con trong tay để làm việc. Có khi mấy ngày tôi không thấy bóng mặt trời luôn vì cứ suốt ngày ở trong nhà. Đồ ăn thức uống thì có sẵn, chỉ việc nấu ăn, làm việc và trông con ở nhà thôi. Mấy tháng trước tết tôi định thuê người giúp việc nhưng nghĩ lại nên thôi, tự tay mình chăm con cho chắc. Chăm có cực nhưng trường cho nghỉ học tránh dịch Covid-19 là đúng, tôi cũng đồng ý như vậy cho mình an tâm”, chị Trang chia sẻ.

Tìm cách cho con học ở nhà

Là một người mẹ đơn thân, chị Phạm Ngọc Hà Trang (ngụ đường Cộng Hoà, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết việc chăm sóc con “mùa nghỉ” nặng nề hơn một chút .
Một thân một mình nuôi cô con gái 3 tuổi, đang học mẫu giáo đã cực. Những ngày nghỉ của con chị Hà Trang lại càng cực hơn. Nhiều lúc cũng muốn tìm sự trợ giúp nhưng chị cũng không thể tìm được người trông con cho mình. Chị ví thời gian này chăm sóc con như những ngày chủ nhật. Nhưng chị đã trải qua hàng chục ngày chủ nhật ở nhà với con trong mùa dịch Covid-19.
May mắn của chị Hà Trang chỉ là buôn bán ở nhà nên việc trông con cũng đỡ phần áp lực. Tuy nhiên, nhiều lần làm việc chị luôn bị phân tâm, khoảng vài phút là phải nhìn con một lần. Do con ở nhà quá lâu, sợ sau này không muốn đến trường nên chị phải tìm cách cho con “nhập hội” chơi với những đứa trẻ hàng xóm. Hoặc tìm các bài hát phù hợp tập cho con hát mỗi ngày để con không quên trường quên lớp.

Sắp xếp công việc để trông con trong những ngày nghỉ học vì lo ngại Covid-19 là vấn đề nan giải của ba mẹ

Đình Vy

“Giữ con thì mệt thiệt nhưng tôi cũng muốn cho con nghỉ ở nhà. Tôi chỉ lo sợ có chuyện gì thì mình không biết được vì cháu còn quá nhỏ”, chị Hà Trang cho hay.
Riêng anh Trần Tuấn Anh (ngụ đường Trường Sa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dí dỏm cho rằng kỳ nghỉ “tết dài vô tận này” xem như con mình được nghỉ hè sớm. Thời gian vào hè trẻ sẽ đi học bù trở lại, mọi thứ đều đâu vào đó.
Nói về những ngày trông con tránh dịch Covid-19 của mình, anh Tuấn Anh cho biết: “Tôi có thể làm việc online nên sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà với con, chỉ khi nào bắt buộc thì mới vào cơ quan, khi đó có thì báo cho vợ thay ca. Vì vậy lịch làm việc của tôi cũng chặt chẽ hơn ngày thường... Bạn tôi có người băn khoăn là hai vợ chồng đều làm giờ hành chính thì ai trông con, tôi cũng thấy họ vất vả nhưng thực ra năm nào cũng có dịp nghỉ hè, các con cũng không đến trường. Chúng ta đều có cách giải quyết, huống chi bây giờ đang trong mùa dịch Covid-19, nên cho nghỉ để bảo vệ con tốt hơn”.
Trong thời gian trông con, anh Tuấn Anh cũng tìm các phim hoạt hình hoặc cho con đọc sách để giải trí một phần giúp trí não con gái hoạt động. Vì con được nghỉ học cũng làm gia đình anh Tuấn Anh mệt mỏi, nhưng đảm bảo an toàn cho con là ưu tiên số 1 của gia đình anh.
Nêu quan điểm về việc học sinh được nghỉ học, anh Tuấn Anh cho rằng: “Hiện nay người dùng mạng xã hội than phiền quá nhiều, người thì muốn con đi học người lại muốn con ở nhà. Do đó, không nên gây hoang mang lẫn nhau, hãy bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn. Bởi vì sở y tế và sở GD-ĐT các tỉnh thành có căn cứ để đưa ra đánh giá, đề xuất nghỉ hay không trong mùa dịch Covid-19”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.