Báo Bangkok Post dẫn lời ông Surasri Kidtimonton, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan, cho biết chính phủ đang khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn.
Nguyên nhân là vì lượng mưa tại miền trung Thái Lan đo được cho đến nay thấp hơn 40% so với mức thông thường. Trong khi đó, lượng nước tại các hồ dự trữ ở khu vực đã giảm còn 51%.
Tại khu vực này, nông dân gần như đã gieo trồng gần hết lúa. Những người chưa trồng lúa thì được khuyên nên trồng cây khác có khả năng chịu hạn. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân chỉ trồng 1 vụ trong năm thay vì 2 vụ như thông thường.
Động thái này được cho là sẽ đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu trong bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo. Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ.
Cả UAE và Nga gần đây cũng đều thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài, chỉ một tuần sau lệnh cấm tương tự từ Ấn Độ.
Diễn biến về chính sách gạo khiến giá cả trên thị trường tăng vọt. Trong tháng 7, giá gạo tại châu Á đã lên cao nhất hơn 3 năm. Trong khi đó, gạo là lương thực thiết yếu cho hơn 3 tỉ người. Việc giá gạo tăng cao lên có thể khiến sức ép lạm phát tăng theo.
Hiện tại, chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ bù đắp thiếu hụt nhờ nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Cơ quan hải quan Thái Lan ước tính xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 21% trong 6 tháng đầu năm 2023 nhờ nhu cầu tăng từ Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và cơ quan chức năng vẫn giữ nguyên quan điểm năm nay chỉ xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo.
Bình luận (0)