Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan và Việt Nam đang tăng mua gạo từ nông dân, đồng thời đàm phán lại giá cho các hợp đồng mua bán trong tháng 8 do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã thắt chặt nguồn cung toàn cầu và khiến giá gạo liên tục tăng thời gian gần đây.
Nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới là Ấn Độ vào cuối tháng trước đã cấm xuất khẩu gạo trắng, không phải gạo Basmati, trong bối cảnh tình hình sản xuất trong nước không đảm bảo. Động thái của Ấn Độ làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực đối với các nhà nhập khẩu gạo chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân ở TP.HCM cho hay giá gạo hiện tại cao hơn rất nhiều so với giá trong hợp đồng. Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh kéo theo giá trong nước cũng tăng. Một số thương nhân đang gấp rút thu mua từ nông dân.
Một thương nhân tại Singapore nói với hãng tin Reuters rằng giá gạo đã tăng kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu và rất khó để các nhà cung cấp thực hiện các hợp đồng đã ký với giá thấp hơn. Việc này khiến các giao dịch xuất khẩu gạo trị giá hàng triệu USD có thể gặp rủi ro.
Giá của các loại gạo chính trên toàn thế giới đã tăng khoảng 80 USD/tấn kể từ khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm từ ngày 20.7
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% nguồn cung toàn cầu. Còn Thái Lan và Việt Nam lần lượt là các nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, dự kiến sẽ xuất khẩu hơn một triệu tấn gạo trong tháng 8.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 625 USD/tấn, so với 545 USD khoảng hai tuần trước, trong khi loại tương tự từ Việt Nam đã tăng lên 590 USD từ mức 515 USD.
Các nhà nhập khẩu, bao gồm cả Philippines, có khả năng thỏa thuận trực tiếp với chính phủ của các nước xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung gạo.
Trong đó, Philippines đang tìm cách tăng lượng gạo dự trữ. Chính phủ nước này khuyến khích các thương nhân tư nhân tăng mua hàng.
Bình luận (0)