Giá gạo và uy tín

25/07/2023 04:14 GMT+7

Gạo Việt đang đứng trước cơ hội lớn cả về giá, lượng và quyền chủ động trên thị trường thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hiện nay. Thế nhưng, chuyện được giá, được mùa không đồng nghĩa với vị thế và uy tín nếu chúng ta "ngủ quên trên chiến thắng".

Ngủ quên trên chiến thắng trong trường hợp đầu tiên là nếu doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu không chia sẻ quyền lợi sòng phẳng với người nông dân - những người trực tiếp làm ra hạt gạo. Có một điều không khó để nhận ra là bên cạnh niềm vui giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục, vẫn có không ít lời than phiền về giá thu mua trong nước cũng tăng lên khiến DN gặp khó khăn. Nhưng giá gạo toàn cầu tăng thì người nông dân bán cao giá hơn cũng là hợp lẽ, chứ tại sao lại muốn mua giá thấp, xuất khẩu giá cao? Còn chuyện DN dự báo không chuẩn, tính toán chưa chính xác để ký hợp đồng trước đó với giá thấp hơn... là rủi ro phải chấp nhận trong kinh doanh, không thể đổ hết lên đầu người nông dân trồng lúa. Họ cũng phải đối mặt với rủi ro mùa vụ, rủi ro chi phí... và phải chịu trách nhiệm ở phần của mình. Vì thế, không nên và không được tận dụng vị thế người mua lớn để ép giá nông dân. Ở thời điểm hiện tại, gạo Việt đang xuất khẩu với giá cao nhất thế giới và chúng ta cũng đang đứng trước cơ hội tiến tới một đỉnh mới. Nhưng cuộc sống, thu nhập của người làm ra hạt gạo không thay đổi, không bứt phá thì niềm vui không thể trọn vẹn, vị thế của hạt gạo chưa thực sự vững chắc. Vì thế, đây là cơ hội để chúng ta chấm dứt nghịch lý người nông dân của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng vẫn nghèo đã tồn tại quá lâu mà chưa được giải quyết căn cơ, triệt để.

Tương tự là cách chúng ta hành xử với đối tác ở vị thế làm chủ cuộc chơi trên như thế nào cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín và vị thế của gạo Việt. Giá gạo đang tăng từng ngày, từng giờ và theo tính toán, nguồn cung thế giới đã và sẽ thiếu hụt trầm trọng. Nhiều nước xuất khẩu gạo lập tức án binh bất động để tính phương án mới sao cho hiệu quả nhất và VN cũng không ngoại lệ. Các DN trong nước chắc chắn cũng đang ngồi trên đống lửa. Sẽ có những DN rơi vào tình thế dở dang với các hợp đồng đã ký với giá thấp hơn trước đó. Nếu hủy hợp đồng, có thể kiếm được mức lời cao hơn nhưng đạo đức kinh doanh sẽ bị tổn hại trầm trọng. Ngược lại, cũng sẽ có những DN chưa có hàng trong kho nhưng không muốn lỡ cơ hội, có thể ký liều để giữ khách. Đặt trường hợp sau đó chúng ta không thể thu mua kịp, bể kèo; hoặc cũng có thể nhiều đơn vị chỉ làm sao để bán được hàng mà không màng chất lượng..., tất cả đều ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của gạo Việt. Cơ hội càng lớn thì thách thức cũng tỷ lệ thuận. Chúng ta đang ở vị thế làm chủ cuộc chơi và chúng ta cũng chính là người quyết định đến vai trò, vị thế, uy tín, thương hiệu của gạo Việt trên thị trường thế giới ở chính thời điểm này.

Ở góc độ quản lý, Bộ Công thương, Cục Trồng trọt vẫn theo dõi sát diễn biến của thị trường gạo toàn cầu và đã có những khuyến cáo kịp thời trong mọi tình huống để vừa tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo giá cao, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, cũng như giữ vững uy tín của gạo Việt mà chúng ta dày công xây dựng mấy năm gần đây. Nhưng DN, những người trực tiếp sản xuất, xuất khẩu gạo vẫn là những nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất trong việc này. Phải làm sao để xuất khẩu giá cao nhưng uy tín, vị thế cũng phải nâng cao.

Đó mới là cơ hội lớn nhất của gạo Việt trong bối cảnh hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.