Cơ hội vàng cho gạo Việt

20/07/2023 06:31 GMT+7

Thông tin Ấn Độ đang có kế hoạch cấm xuất khẩu vì giá gạo nội địa tăng cao đang mang đến cơ hội lớn cho gạo Việt vốn đang có mức giá cao và vẫn còn xu hướng tăng.

Cơ hội vàng cho gạo Việt  - Ảnh 1.

Nông dân phấn khởi vì giá lúa đang tăng cao trong khi giá phân bón giảm

Đ.N.T

Nhu cầu thế giới tăng cao

Những ngày giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á liên tục biến động khi điều chỉnh tăng ở các nước xuất khẩu lớn. Chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, giá gạo xuất khẩu của VN chỉnh tăng liên tiếp với mức tăng 15 USD/tấn. Cụ thể, ngày 18.7, giá gạo xuất khẩu của VN điều chỉnh tăng 10 USD/tấn. Trong đó, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 528 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 508 USD/tấn; Jasmine 623 USD/tấn. Mức giá này đã tăng 20 USD/tấn so với đầu tháng 7. Tại Thái Lan, dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu nước này cho thấy, giá gạo tấm 5% của nước này đã tăng khoảng 15% trong 4 tháng qua, lên mức 535 USD/tấn. Giá gạo Pakistan cũng đã tăng lên mức cao khi cộng thêm tới 40 USD/tấn so với ngày 3.7.2023.

Ngành lúa gạo hiện nay khả quan, tăng giá, nông dân phấn khởi nhưng đó là do thiên thời, do hoàn cảnh khách quan mang lại chứ thực tế hiện nay chuỗi sản xuất tiêu thụ hầu như chưa có sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ông Phạm Thái Bình (Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An)

Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), nhận định giá gạo thời gian qua tăng vọt do nguồn cung bị ảnh hưởng. Các quốc gia lo sợ hạn hán, cộng với lạm phát nên mua gạo tích trữ đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống như Philippines mỗi năm mua 2,3 - 3 triệu tấn, gần đây các doanh nghiệp VN cũng nhận được nhiều hợp đồng mua gạo từ Trung Quốc, Indonesia. Một số quốc gia ở Nam Phi đang quay trở lại mua gạo Việt. Nhu cầu tăng đã làm cho giá gạo VN tăng nhanh.

Theo một số nguồn tin quốc tế, chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc việc cấm xuất khẩu tất cả loại gạo không phải là gạo Basmati trong bối cảnh giá gạo trên thị trường nội địa liên tục tăng cao. Dữ liệu của Bộ Lương thực Ấn Độ cho thấy giá gạo bán lẻ tại vùng thủ đô Delhi đã tăng 15% kể từ đầu năm đến nay, và tăng trung bình 8% trên cả nước. Việc giá lương thực, thực phẩm tăng cao đối với 1,4 tỉ người dân luôn là mối quan tâm hàng đầu tại nước này. Trong năm ngoái, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì, hạn chế xuất khẩu đường, cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế lên tới 20% đối với các loại gạo xuất khẩu khác để kiềm chế giá lương thực. Giới quan sát nhận định việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả loại gạo không phải là gạo Basmati sẽ tác động đến 80% lượng gạo xuất khẩu của nước này. Ấn Độ hiện chiếm đến 40% tổng lượng gạo được xuất khẩu trên toàn cầu, nên việc hạn chế xuất khẩu sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng lên cao hơn.

Dự kiến xuất khẩu gạo sẽ vượt 4 tỉ USD

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, nhìn nhận: "Ấn Độ cấm xuất khẩu là một cơ hội cho gạo VN và Thái Lan có thể bán được cao giá hơn. Đồng thời tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa tăng thêm do năng suất tăng từ vụ đông xuân 2023. Cơ hội này cũng tạo điều kiện để khách hàng quốc tế nhìn nhận VN là một nguồn cung cấp lương thực ổn định, đáng tin cậy cho nhu cầu lương thực thế giới".

Theo các thương lái, hiện nay lượng gạo về ít, giá các loại đều tăng. Nhu cầu và sức mua tốt khiến giá lúa tăng cao, nguồn bắt đầu nhiều hơn trước. Hiện nay, gạo 5% tấm của VN ngang bằng với gạo cùng loại của Thái Lan. Trong khi gạo 25% tấm của chúng ta cao hơn gạo cùng loại Thái Lan 15 USD/tấn.

Khảo sát ý kiến của nhiều doanh nghiệp đều thống nhất nhận định rằng, nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng. "Nếu Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, sắp tới, gạo Việt không chỉ được hưởng lợi về giá mà còn thuận lợi trong xuất khẩu", lãnh đạo Hiệp hội Lương thực thực phẩm VN khẳng định. Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), đồng tình: "Tình hình thời tiết cực đoan tại nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo trên thế giới đã khiến cho sản lượng gạo sụt giảm, đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu. Đây là thời cơ cho ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo VN".

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, theo ông Bình, giá lúa trong nước đang tăng quá nhanh, trong khi giá xuất khẩu lại không theo kịp. Ở góc độ nào đó sẽ có doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đang thu mua để thực hiện hợp đồng đã ký sớm trước đó với giá thấp có khả năng sẽ thua lỗ. Thế nên, về chiến lược dài hạn, ông Bình nhận định: "Ngành lúa gạo hiện nay khả quan, tăng giá, nông dân phấn khởi nhưng đó là do thiên thời, do hoàn cảnh khách quan mang lại chứ thực tế hiện nay chuỗi sản xuất tiêu thụ hầu như chưa có sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Cả vùng ĐBSCL chỉ có vài đơn vị đang triển khai đầu tư liên kết bài bản, và chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với thực trạng sản xuất bấp bênh, may rủi lâu nay".

Tại cuộc họp mới đây, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỉ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ hội vàng cho gạo Việt  - Ảnh 3.

Theo ông Hòa, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong nửa đầu năm nay với khối lượng đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 772 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng hơn 632.000 tấn (tăng 63%), trị giá 364 triệu USD (tăng 79%), thị phần chiếm 19%. Indonesia là thị trường bất ngờ vươn lên vị trí số ba về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với diễn biến thuận lợi này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo của VN sẽ vượt 4 tỉ USD trong năm nay.

Thị trường trong nước bình ổn

Trái với tình hình sôi động, nhộn nhịp của gạo xuất khẩu, thị trường lúa gạo trong nước lại trầm lắng. Đại diện một doanh nghiệp chế biến gạo tại H.Cái Bè (Tiền Giang) cho biết: "Giá gạo nội địa hiện nay tăng cao chủ yếu do hiệu ứng từ nhu cầu xuất khẩu tăng, còn khách hàng nội địa thì lại thưa vắng. Mọi năm, chúng tôi có rất nhiều đơn hàng từ các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhưng năm nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều công ty giảm lao động, lượng tiêu dùng trong nước cũng giảm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.