Giá gạo Việt lên gần 1.000 USD/tấn

Chí Nhân
Chí Nhân
08/07/2024 06:24 GMT+7

Giá gạo Việt ở nhiều thị trường tăng mạnh, thậm chí lên tới gần 1.000 USD/tấn. Xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục giữ vững phong độ cả về lượng và giá trong nửa cuối năm nay.

Giá tăng, lượng tăng ở nhiều thị trường cao cấp

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm trước, trong 6 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu gạo của VN đạt 4,7 triệu tấn, tăng 10,4% và kim ngạch đạt gần 3 tỉ USD, tăng 32%. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều thị trường đạt mức giá xuất khẩu gạo bình quân rất cao như Brunei lên tới 959 USD/tấn, Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn…

A1.jpg

Xuất khẩu gạo của VN sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm

CÔNG HÂN

Có thể nói, gạo Việt đang ở giai đoạn thăng hoa nhất cả về lượng về chất. Để đạt được kết quả nói trên, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp VN đã không ngừng đầu tư vào chất lượng hạt gạo và xây dựng thương hiệu sản phẩm ở nhiều thị trường cao cấp quốc tế. Chính vì vậy, giá trị hạt gạo không ngừng được nâng cao tại các thị trường như: Nhật Bản, EU, Mỹ…

Đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây là thị trường Pháp. Chỉ trong quý 1, xuất khẩu gạo của VN vào thị trường này tăng đột biến tới 18.200 tấn và giá trị 19,1 triệu USD; bình quân 1 tấn gạo có giá trên 1.000 USD. Tính chung cả khu vực EU, chỉ trong 3 tháng đầu năm, chúng ta đã cung cấp tới 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước.

Giá gạo Việt lên gần 1.000 USD/tấn

Thương vụ VN tại EU thông tin các giống gạo thơm đặc sản của VN như ST25, ST24, Nàng hoa, OM rất được thị trường ưa chuộng nhờ chất lượng thơm ngon. Vì vậy, giá gạo VN tại đây cao hơn mức trung bình của các nước. Đơn cử gạo Ý khoảng 2 euro/kg, gạo Campuchia khoảng 1,5 euro/kg thì gạo VN là 2,5 euro/kg và chỉ thấp hơn gạo đặc sản Thái Lan (3 euro/kg). Kết quả gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA). So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, VN là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường này và cũng là lĩnh vực tốt nhất tận dụng thuận lợi thương mại do EVFTA mang lại ngay trong năm đầu tiên.

Ngoài châu Âu, trong 3 tháng đầu năm 2024, VN xuất tới 135.300 tấn gạo sang thị trường châu Mỹ, kim ngạch đạt 94,5 triệu USD, tăng 299% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng gạo đặc sản chất lượng cao như ST25 được nhiều thị trường cao cấp ưa chuộng. Thời gian gần đây, giá thành gạo nguyên liệu trong nước tăng nên giá gạo thành phẩm cũng tăng. Tôi tin rằng từ sau tháng 8 thị trường sẽ sôi động hơn vì ngoài yếu tố cước vận chuyển thì thị trường cũng vào mùa chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm.

Ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp)

Ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết: Sau giai đoạn tăng mạnh hồi đầu năm thì từ tháng 5 đến nay, hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ bị chậm lại do cước tàu biển tăng mạnh. Nhu cầu của các thị trường này vẫn rất lớn nhưng họ muốn chờ đến tháng 8 với hy vọng cước sẽ giảm vì hoạt động xuất hàng từ Trung Quốc sang Mỹ không còn cao như thời gian qua.

"Các mặt hàng gạo đặc sản chất lượng cao như ST25 được nhiều thị trường cao cấp ưa chuộng. Thời gian gần đây, giá thành gạo nguyên liệu trong nước tăng nên giá gạo thành phẩm cũng tăng. Tôi tin rằng từ sau tháng 8 thị trường sẽ sôi động hơn vì ngoài yếu tố cước vận chuyển thì thị trường cũng vào mùa chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm", ông Tâm nói.

Hợp tác an ninh lương thực

Khảo sát của chúng tôi cho thấy một số doanh nghiệp khác trong ngành gạo cũng có quan điểm tương đồng.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), nói: Các dòng gạo đặc sản cao cấp của VN như ST25 giá 900 - 1.000 USD/tấn là điều bình thường trong thời gian những năm gần đây. Trung An vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu các sản phẩm này vào những thị trường cao cấp. Thậm chí thị trường EU có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có sản phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng đòi hỏi chất lượng và độ an toàn rất cao. "Sản lượng sản xuất cũng như nhu cầu ở phân khúc này không nhiều. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề quan trọng của ngành lúa gạo VN là việc sản xuất và tiêu thụ từ 6 - 8 triệu tấn gạo mỗi năm", ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đang có chuyến thăm và làm việc tại VN cho thấy họ có nhu cầu rất lớn trong hợp tác mua gạo và sản xuất lương thực với VN. Nhiều nước khác cũng có nhu cầu mua gạo Việt. Có thể nói, đầu ra có dư địa lớn. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp trong nước phải có sự phối hợp, hợp tác để thúc đẩy xuất khẩu bền vững và mang lại lợi ích chung cho cộng đồng và người nông dân.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, để duy trì xuất khẩu gạo bền vững, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Cụ thể, trong giai đoạn 2024 - 2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, VN sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hằng năm lên tới 1,5 - 2 triệu tấn gạo trắng, đồng thời thống nhất triển khai một số biện pháp trao đổi thông tin hoạt động thương mại gạo hai nước. Bên cạnh đó, đàm phán với các nước Indonesia, Malaysia về việc xem xét tiến tới ký bản ghi nhớ thương mại gạo nhằm tạo môi trường ổn định, bền vững.

Thực tế thời gian gần đây xuất khẩu trầm lắng vì các nhà nhập khẩu Philippines muốn chờ hướng dẫn của chính phủ nước này sau khi có quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15%. Ngoài ra, cước tàu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ nhập hàng của các thị trường xa như Trung Đông hay châu Phi. Nhưng các động thái trên cho thấy nhu cầu thị trường về mặt hàng gạo vẫn rất lớn và xuất khẩu gạo Việt nửa cuối năm hứa hẹn nhiều bất ngờ.

Philippines muốn nhập khẩu cả gạo và phân bón từ VN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel, Jr. đang có chuyến thăm và làm việc tại VN từ ngày 6 - 9.7 với mục đích thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực và phát triển bền vững, thúc đẩy thương mại nông sản và đẩy mạnh hợp tác khoa học kỹ thuật, kết nối doanh nghiệp 2 nước.

Theo lịch trình, đoàn có những cuộc làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, hiệp hội lương thực và lãnh đạo ngành nông nghiệp VN. Ngoài thúc đẩy việc nhập khẩu gạo, Philippines có mong muốn nhập khẩu phân bón cũng như hợp tác đầu tư sản xuất sản phẩm này tại Philippines.

Dự báo sau chuyến thăm và đặc biệt là việc Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% thì hoạt động xuất khẩu gạo từ VN sang Philippines sẽ sôi động trở lại. Nhiều năm qua, Philippines là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của VN

và gạo VN cũng chiếm hơn 2/3 thị phần gạo nhập khẩu của nước này. Năm 2024, dự báo Philippines nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, con số cao nhất từ trước tới nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.