Giá gạo Việt Nam và Thái Lan giảm, ngược chiều giá lương thực thế giới

Chí Nhân
Chí Nhân
15/07/2022 14:46 GMT+7

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang trong xu hướng giảm mạnh và đồng loạt. Giá gạo xuất khẩu của cả Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Vì sao giá gạo lại ngược với xu hướng giá lương thực thế giới cũng như dự báo của giới chuyên gia?

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thực phẩm thế giới tháng 6.2022 đạt trung bình 154,2 điểm, giảm 2,3% so với tháng trước đó nhưng vẫn cao hơn tháng 6.2021 đến 23,1%. Ông Máximo Torero Cullen - chuyên gia kinh tế của FAO cho biết, mặc dù chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 6 giảm tháng thứ ba liên tiếp, nhưng vẫn gần bằng mức kỷ lục trong tháng 3.2022, có nghĩa giá lương thực thực phẩm vẫn duy trì ở mức cao. Các yếu tố khiến giá thực phẩm thế giới tăng cao ngay từ đầu năm do nhu cầu tăng mạnh, thời tiết bất lợi ở một số nước lớn, chi phí sản xuất và vận chuyển cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19, cộng với những bất ổn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Thị trường lúa gạo thế giới trầm lắng, giảm giá khiến nông dân Việt Nam và Thái Lan gặp nhiều khó khăn

Chí Nhân

Trái ngược với xu hướng chung của giá lương thực thực phẩm toàn cầu, giá lúa gạo thế giới tương đối ổn định ở mức thấp và đang trong xu hướng giảm. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, so với cuối tháng 6 trong những ngày giữa tháng 7 hiện nay giá gạo đồng loạt giảm. Cụ thể giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 9 USD còn 420 USD/tấn; gạo Hom Mali giảm đến 32 USD hiện chỉ còn 883 USD/tấn; giảm mạnh nhất là gạo Jasmine đến 81 USD hiện chỉ còn 643 USD/tấn.

Tại Việt Nam, giá lúa gạo cũng đang trong xu hướng giảm. Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết: Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức cao vì thực tế là chúng ta không có hàng để giao dịch hoặc có nhưng rất ít. Trong khi đó, xu hướng chung là các mặt hàng gạo thơm, gạo chất lượng cao đều giảm giá khoảng 10 USD/tấn. “Đây là diễn biến bất ngờ của thị trường lúa gạo so với xu thế tăng giá lương thực thế giới. Hai thị trường chính là Philippines chiếm 45% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chờ chính phủ mới cấp quota. Thị trường Trung Quốc, chiếm 25% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam, trầm lắng. Các thị trường khác khá tốt nhưng sản lượng ít không đủ bù đắp”, ông Đôn lý giải.

Xuôi về miền Tây, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cũng xác nhận giá lúa gạo Việt Nam đang có xu hướng giảm giống Thái Lan. Trong 6 tháng qua, thị trường có tăng có giảm nhưng xu hướng chung là giá gạo bán ra vẫn chưa đủ bù chi phí đầu vào tăng cao. Thị trường hiện tại trầm lắng, giá giảm vì ĐBSCL chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Thị trường gạo thế giới ngược chiều xu hướng là một vấn đề phức tạp khó có thể hiểu và giải thích rõ hết được. Nhưng một khả năng cao là các nước đang cố gắng chủ động an ninh lương thực quốc gia bằng cách tăng sản xuất, giảm nhập khẩu. Cũng có thể do lạm phát và giá hàng hóa tăng mạnh ở nhiều nước, một số chính phủ cố gắng kiềm giá gạo để giảm áp lực thị trường nội địa làm thị trường gạo thế giới giao dịch giảm.

"Tuy nhiên, nhu cầu và thị trường lúa gạo vẫn còn rất lớn, sự sụt giảm chỉ là nhất thời trong một giai đoạn. Chi phí sản xuất lúa gạo quá cao không còn có thể giảm thêm. Hiện nay các loại phụ phẩm đều tăng giá rất mạnh, như: cám cũng hơn 9.000 đồng/kg, trấu và rơm cũng hơn 2.000 đồng/kg hết rồi. Giá gạo cũng sẽ phải tăng lại để bù đắp chi phí sản xuất tăng cao”, ông Bình phân tích và dự báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.