Giá gạo Việt tăng ngược đà giảm của thế giới

Chí Nhân
Chí Nhân
22/10/2022 05:59 GMT+7

Trong khi thị trường gạo thế giới đang hạ nhiệt, giá gạo Thái Lan liên tục lao dốc thì giá gạo VN vẫn duy trì được mức cao và đang đứng đầu thế giới.

Cao hơn gạo Thái khoảng 15 USD/tấn

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn Thái Lan khoảng 15 USD/tấn ở thời điểm hiện tại. Diễn biến thị trường trong khoảng một tháng qua cho thấy, trong khi gạo Thái liên tục rớt giá thì gạo Việt Nam vẫn ổn định và đang ở mức cao nhất. Diễn biến này đi ngược với trước đó. Còn nhớ thời điểm nửa cuối tháng 9, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt mức 446 USD/tấn cao nhất thế giới và cao hơn gạo Việt Nam khoảng 20 USD/tấn. Thế nhưng sau đó, gạo Thái liên tục giảm và đến nay chỉ còn khoảng 413 USD/tấn. Các loại gạo đặc sản như Hom Mali và gạo thơm Jasmine cũng giảm khoảng 20 - 25 USD/tấn. Ngược lại gạo 5% tấm Việt Nam từ 415 USD/tấn hồi cuối tháng 9 hiện đã tăng lên mức 428 USD/tấn. Các loại gạo 5% tấm của Pakistan đứng thứ 3 với 393 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo của VN tăng giá do nguồn cung hạn chế

Công Hân

Thị trường gạo có nhiều thay đổi, bởi trong hơn một tháng qua, từ khi Ấn Độ công bố chính sách mới với mặt hàng gạo, thị trường thế giới có nhiều biến động về giá. Cụ thể, từ ngày 15.9, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với các loại gạo trắng ngoại trừ Basmati. Tuy nhiên, lệnh cấm liên tục được nới lỏng bằng hình thức gia hạn thời điểm áp dụng đối với các hợp đồng đã ký. Mới nhất, theo Reuters ngày 12.10, Ấn Độ vừa cho phép xuất khẩu trên 397.000 tấn gạo tấm đã có hợp đồng trước ngày 8.9. Số lượng này khá nhỏ so với lượng gạo bị kẹt ở các cảng được thông báo hơn 1 triệu tấn trước đó. Theo các chuyên gia, những động thái nới lỏng sau lệnh cấm của Ấn Độ đã phần nào giúp thị trường thế giới bớt sốt như thời điểm giữa tháng 9.

Nhiều thương nhân xuất khẩu gạo ở Nam bộ cho biết, gạo trắng của Việt Nam và Thái Lan chất lượng tốt hơn và có thể xem là một phân khúc khác nên giá luôn cao hơn gạo của Ấn Độ và Pakistan. Sau lệnh cấm từ Ấn Độ, giá gạo của cả hai nước này cũng đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn không thể ngang giá với Việt Nam và Thái Lan. Đối với diễn biến ngược chiều nhau giữa gạo Việt Nam và Thái Lan, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), giải thích: Do Thái Lan đang vào chính vụ thu hoạch lúa mùa, sản lượng dồi dào nên giá giảm. Thứ nữa là do trước đây thương nhân họ chào giá cao nên khó tiêu thụ, buộc lòng phải điều chỉnh lại giá. Trong khi đó, vùng ĐBSCL của Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch doanh nghiệp không còn hàng tồn kho nên giá vẫn duy trì mức cao. Vụ sản xuất mới cũng bị chậm lại vì mưa bão, triều cường và lũ thượng nguồn… Dù giá tăng và ổn định nhưng hiện tại nông dân cũng không còn gạo để bán. Mặt khác với mức giá hiện tại so với chi phí đầu tư, người làm lúa cũng không có lời. Đây cũng là lý do khiến giá gạo Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao.

Nhu cầu và thị trường vẫn tốt

Giá cao nhưng không hẳn đã thuận lợi. Theo các doanh nghiệp, trong lúc tình hình kinh tế thế giới khó khăn mà giá gạo Việt Nam cao cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo. Minh chứng là thời gian gần đây lượng khách hàng tìm mua gạo Việt Nam có giảm so với vài tuần trước. Tuy nhiên, trong dài hạn, các thương nhân xuất khẩu gạo đều tỏ ra lạc quan. Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro ở TP.HCM, nhận định: Ấn Độ vẫn áp dụng chính sách thuế xuất khẩu 20% với gạo trắng cũng như chưa dỡ bỏ lệnh cấm với xuất khẩu gạo tấm. Điều này tiếp tục gây thiếu hụt nguồn cung trên quy mô toàn cầu, thị trường bớt sức cạnh tranh. Chính vì vậy, các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam, được hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm lại được một số khách hàng truyền thống ở châu Phi dù không nhiều vì giá gạo Việt Nam cao so với nhu cầu tiêu dùng của khu vực này.

Trung Quốc tăng nhập khẩu nhóm hàng gạo chất lượng cao từ Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng của năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 5,4 triệu tấn, tương đương gần 2,6 tỉ USD, tăng gần 18% về khối lượng, tăng gần 8% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2021. Tuy nhiên, giá trung bình đạt gần 485 USD/tấn, giảm 8,4%. Mục tiêu ban đầu của ngành nông nghiệp trong năm nay xuất khẩu từ 6,3 - 6,5 triệu tấn gạo, tuy nhiên sau khi Ấn Độ giảm xuất thì nhiều khả năng Việt Nam có thể xuất tới 6,7 triệu tấn gạo.
Phần lớn các thị trường xuất khẩu gạo của VN đều tăng trưởng mạnh trong năm nay. Cụ thể như Philippines tiếp tục đứng đầu đạt gần 2,5 triệu tấn và trên 1,1 tỉ USD tương đương 46% về lượng và 44% về giá trị. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 35% về lượng và 22% về giá trị. Đặc biệt, thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt gần 547.000 tấn, tăng gần gấp đôi về lượng và tăng đến 71% về giá trị.


Riêng thị trường Trung Quốc dù đứng thứ 2 nhưng chỉ đạt 626.000 tấn và 319 triệu USD, giảm đến 26% về lượng và gần 25% về giá trị. Tuy nhiên, đáng chú ý là giá bình quân nhập khẩu lại đạt trên 510 USD/tấn, tăng 1,8%. Điều này cho thấy năm nay Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhóm hàng gạo chất lượng cao từ VN. Theo các nhà xuất khẩu, một trong những mặt hàng đang được Trung Quốc tăng nhập từ VN trong những tháng gần đây là gạo nếp. Thời điểm cuối tháng 8, giá gạo nếp khoảng 480 USD/tấn, thì hiện đã tăng lên mức 570 USD/tấn. Giá gạo nếp tăng mạnh do năm ngoái giá thấp, nông dân giảm diện tích gieo trồng làm sản lượng sụt giảm.

Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), bổ sung: Thời điểm cuối năm, phần lớn các doanh nghiệp đều cạn kho nên giá tăng. Cụ thể, giá FOB gạo Đài thơm đang ở mức 470 - 480 USD/tấn, gạo IR 5451 cũng 460 - 470 USD/tấn, cao hơn 15 - 20% so với đầu tháng 9. Dù vậy, triển vọng của ngành xuất khẩu lúa gạo trong dài hạn có nhiều lạc quan cả về lượng và giá. Thứ nhất là chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ chưa và ít có khả năng được dỡ bỏ khi nước này tiếp tục gánh chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Mặt khác, một nước xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung. Thứ hai, ngoài lệnh cấm của Ấn Độ thì nhu cầu lương thực thế giới đang cao do đối mặt chiến tranh và thiên tai nghiêm trọng khắp nơi. Cụ thể như hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Trong khi đó, điều kiện sản xuất lương thực của Việt Nam thời gian qua tương đối thuận lợi và sản lượng dồi dào. Cục diện đó cho thấy, trong những tháng cuối năm và cả năm 2023, đầu ra của sản phẩm gạo Việt Nam vẫn lạc quan.

Liên quan đến thị trường gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng có nhiều thông tin quan trọng. Một số thông tin cho thấy, nước này có kho dự trữ gạo luôn xoay quanh mốc 100 triệu tấn. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực thu mua và tồn trữ một lượng lớn gạo với sản lượng lên tới trên 113 triệu tấn vào cuối năm 2021. Chính vì vậy, dù đang đối mặt hạn hán nghiêm trọng làm sản lượng lương thực sản xuất sụt giảm nhưng Trung Quốc vẫn không vội nhập khẩu mà đang sử dụng nguồn dự trữ bù vào phần thiếu hụt. Tuy nhiên, có thể trong năm 2023 và một số năm tiếp theo Trung Quốc sẽ phải tăng cường thu mua để bù lại nguồn dự trữ. Vì thế, nhu cầu gạo sẽ gia tăng và đây là lợi thế cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.