Giá sầu riêng tăng mạnh, cảnh báo kiểm soát chất lượng

Chí Nhân
Chí Nhân
25/03/2024 06:36 GMT+7

Nắng nóng, hạn mặn ở ĐBSCL khiến sản lượng sầu riêng vụ nghịch hiện nay giảm đáng kể, do đó giá tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mới đây VN lại nhận thông tin bất lợi từ thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc.

Nắng nóng đẩy giá sầu riêng tăng

Cuối tuần trước, ông Phan Hoàng Tân ở TT.Tiên Thủy (H.Châu Thành, Bến Tre) thu hoạch hơn 2 tấn sầu riêng. Đang vụ nghịch, ông bán xô cho thương lái cũng được tròn 100.000 đồng/kg. Ông Tân cho biết khoảng 2 - 3 tuần tới, ông sẽ tiếp tục thu hoạch thêm một đợt nữa với sản lượng ước tính còn cao hơn. Niềm vui như nhân đôi khi giá sầu riêng tiếp tục tăng lên 110.000 - 120.000 đồng/kg do thời tiết bất lợi, nắng nóng gay gắt nên nhiều vườn sầu riêng vụ nghịch mất mùa, năng suất thấp. 

Dù vậy, ông Tân cũng cho biết: "Mấy hôm nay, có thông tin Trung Quốc cảnh báo chất lượng sầu riêng VN, đây là thị trường tiêu thụ chính nên tôi thấy lo lắng. Nếu có diễn biến bất lợi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiêu thụ và giá sầu riêng nội địa. Rất mong cơ quan chức năng phối hợp với phía Trung Quốc sớm làm rõ vấn đề để bảo vệ ngành sầu riêng và để bà con yên tâm sản xuất".

Giá sầu riêng tăng mạnh, cảnh báo kiểm soát chất lượng- Ảnh 1.

Nông dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng VN cần chung tay nâng chất lượng sầu riêng để tránh mất thị phần

Hoàng Nguyễn

Tại Tiền Giang - địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL, theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh này, hiện nay sầu riêng vụ nghịch vẫn được thu hoạch đều và tiêu thụ ổn định. Giá sầu riêng loại 1 có thể lên đến 150.000 - 180.000 đồng/kg, tùy giống và chất lượng. Đến cuối tháng 4 mới bắt đầu vào chính vụ, nên từ nay đến đó giá có thể vẫn duy trì mức cao. 

Cần kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

"Liên quan đến những thông tin về chất lượng sầu riêng mà phía Trung Quốc mới cảnh báo, hiện chúng tôi đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật về điều tra nguyên nhân, tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; gửi báo cáo kết quả về Cục trước ngày 1.4. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nhà vườn nói chung cần yên tâm sản xuất, tiếp tục thực hành các quy trình sản xuất an toàn, sử dụng phân thuốc theo đúng danh mục được cơ quan chức năng cấp phép, cũng như các yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu", ông Men thông tin.

Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,3 tỉ USD thì thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 2,1 tỉ USD. Nhờ tăng trưởng "thần tốc" của sầu riêng nên kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2023 đạt con số kỷ lục 5,7 tỉ USD. Đà tăng trưởng tiếp tục kéo dài trong những tháng đầu năm 2024. Ước tính sơ bộ, chỉ trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của VN đã đạt gần 1,25 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.

Trung Quốc đòi hỏi cao hơn về chất lượng

Trong khi thị trường sầu riêng đang tiến triển tốt, thì cuối tuần qua xuất hiện thông tin khiến nhiều người trong ngành lo lắng. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông báo: Nhận thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc - GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng VN xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Các lô hàng này thuộc 18 doanh nghiệp, bị phía Trung Quốc phát hiện vi phạm trong giai đoạn từ tháng 6.2023 - 1.2024.

Giá sầu riêng tăng mạnh, cảnh báo kiểm soát chất lượng- Ảnh 2.

Hoàng Nguyễn

Cục Bảo vệ thực vật đã gửi văn bản đến các Chi cục Kiểm dịch thực vật, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh, các doanh nghiệp có tên trong danh sách cảnh báo yêu cầu thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu; tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh tái diễn vi phạm; Có văn bản báo cáo kết quả thực hiện về Cục trước ngày 1.4. Cục cũng đề nghị các cơ quan quản lý địa phương giám sát doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu nói trên, thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.

Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia trong ngành trồng trọt cây ăn quả nói đây là một vấn đề phức tạp. Để xác định rõ nguyên nhân từ đâu (đất, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) hay trong quá trình đóng gói cũng cần phải có thời gian và chuyên môn. Cadimi là chất bị cấm sử dụng trong phân, thuốc ở VN. Nếu có trong phân, thuốc thì từ mặt hàng nào; từ đâu ra..., rất nhiều vấn đề cần được cơ quan chức năng cũng như sự phối hợp với đối tác Trung Quốc làm rõ. "Chúng ta không nên quá lo lắng hoặc hành động vội vàng khi chưa có đủ thông tin vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng tỉ USD còn rất non trẻ này", vị này nói.

Ở góc độ thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), nhấn mạnh: Nếu như trước đây, Trung Quốc chỉ quan tâm đến các yếu tố bên ngoài sản phẩm như sâu bọ, nấm bệnh… thì cảnh báo mới cho thấy họ đang quan tâm nhiều hơn tới những thứ bên trong của sản phẩm. Cũng có nghĩa là thị trường Trung Quốc giờ cũng "khó tính" ngang với các thị trường EU, Nhật Bản hay Mỹ. 

Trong khi đó, đây là thị trường lớn và đang phát triển rất mạnh, năm 2022 là 4 tỉ USD, đến năm 2023 lên tới gần 8 tỉ USD và dự kiến năm 2024 có thể đạt đến 10 tỉ USD. Tại thị trường này, dù kim ngạch của VN đứng thứ 2 sau Thái Lan nhưng chất lượng và giá trị đứng thứ 3 sau Malaysia và Thái Lan. Chính vì vậy, nếu chúng ta không quản lý và nâng cao được chất lượng sẽ để mất thị phần vào tay các đối thủ rất mạnh là Thái Lan và Malaysia.

Ông Nguyên cảnh báo: "Không chỉ sầu riêng mà rau quả nói chung, thị trường chính của VN vẫn là Trung Quốc. Thái Lan cũng là nước nhập khẩu rau quả của VN khá lớn nhưng họ trả giá rất rẻ (làm thương mại) và yêu cầu chất lượng chuẩn EU. Nói ra điều này để thấy rằng nếu chúng ta không nâng cao chất lượng và duy trì một cách bền vững thì sẽ không bán được hàng cho bất kỳ ai. Để tránh tình trạng này tái diễn các cơ quan chức năng cần giám sát chặt các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật; thường xuyên cập nhật các yêu cầu thị trường để kịp thời điều chỉnh khuyến cáo người dân. Đối với bà con nông dân cần nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, ít nhất phải chuẩn VietGAP. Chúng ta cần chăm chút chất lượng nhiều hơn nữa cho trái sầu riêng".

Tháng 10.2023, Nhật Bản buộc tiêu hủy 1,4 tấn sầu riêng nhập khẩu từ VN. Nguyên nhân là cơ quan kiểm dịch nước này phát hiện sản phẩm tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ VN. Điều này khiến các doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí, thời gian và ảnh hưởng khâu phân phối.

Ngày 7.2.2024, EU chính thức giám sát sản phẩm sầu riêng VN tại cửa khẩu với tần suất kiểm tra 10% lô hàng. Đây là cập nhật mới trong năm nay bên cạnh các mặt hàng khác như ớt chuông và mì ăn liền. EU là một trong những thị trường xuất khẩu sầu riêng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.