Hiện có 8 bệnh nhân bị rắn độc cắn đang được điều trị tại trung tâm này.
Theo BS Nguyên: “Trong số các ca nội trú tại Trung tâm chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu. Các ca nhập viện do bị rắn độc cắn xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm. Đây cũng là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc”.
BS Nguyên khuyến cáo: “Sai lầm lớn nhất khi bị rắn cắn là trì hoãn đến bệnh viện. Người bị nạn thường ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian (đắp lá, chích nặn máu tại vết cắn… để sơ cứu. Khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…), nạn nhân mới đến cơ sở y tế. Lúc này, tình trạng đã nặng hơn, khó khăn hơn cho điều trị và bình phục”.
Ngoài ra, các bác sĩ lưu ý, rắn độc có nhiều loại khác nhau, mỗi loại nọc độc có cơ chế gây độc khác nhau. Do đó, tùy thuộc nguyên nhân, nạn nhân bị rắn độc tấn công sẽ được điều trị phù hợp.
“Nếu không may bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách để nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế có đủ điều kiện điều trị (ví dụ: cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt, hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời”, chuyên gia chống độc lưu ý.
Chuyên gia cũng hướng dẫn: Người bị rắn độc cắn không nên tự đi lại. Vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Cần vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế sớm, đồng thời duy trì băng ép tại vết cắn. Nếu nạn nhân khó thở, cần hô hấp nhân tạo và tốt nhất có hỗ trợ bằng phương tiện y tế như: bóp bóng, máy thở xách tay.
Bình luận (0)