Tiền nước sạch tăng giá
Thông tin từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco, từ ngày 1.1.2024, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM sẽ tăng 5% so với hiện nay (từ 20% lên 25% trên đơn giá cấp nước).
Một cách dễ hiểu, từ ngày 1.1.2024, nếu mỗi tháng sử dụng 100.000 đồng tiền nước sạch thì phải đóng thêm 25.000 đồng cho dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải và 10.000 đồng tiền thuế giá trị gia tăng (6 tháng đầu năm) hoặc 12.500 đồng (6 tháng cuối năm).
Theo thông tin từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco, hiện nay giá nước sạch tại TP.HCM theo định mức thấp nhất cho hộ gia đình sử dụng 4 m³/người/tháng giá là 6.700 đồng/m³. Tương tự, định mức 4-6 m³ là 12.900 đồng/m³. Từ 6 m³ trở lên là 14.900 đồng/m³. Cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể giá 13.000 đồng/m³. Đơn vị sản xuất giá 12.100 đồng/m³. Đơn vị kinh doanh, dịch vụ giá 21.300 đồng/m³…
Nhiều cách để tiết kiệm nước
Theo anh Hồ Thanh Nhẫn (32 tuổi), chủ dãy phòng trọ ở 231 Phùng Văn Cung, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, sau khi nghe thông tin tiền nước sạch tăng từ đầu năm 2024, đã đề nghị những người thuê phòng cần có cách để tiết kiệm nước.
"Có thể việc tăng thêm vài chục ngàn đồng không quá cao. Tuy nhiên, việc tiết kiệm nước là điều cần làm", anh Nhẫn nói.
Rất nhiều cách được người chủ phòng trọ này liệt kê ra để bản thân anh cũng như người thuê phòng áp dụng. Chẳng hạn, nhanh chóng kiểm tra lại hệ thống đường ống dẫn nước ở dãy phòng trọ. Qua đó tìm cách hàn, sửa chữa những vị trí bị nứt, hở gây thất thoát nước. Hay có quy định chỉnh mức nước phù hợp với lượng quần áo cần giặt thay vì bật chế độ giặt tự động. Điều này nhằm tiết kiệm nước khi sử dụng máy giặt. Anh Nhẫn cũng yêu cầu người thuê phòng hạn chế tối đa việc sử dụng bồn tắm, tránh tiêu tốn lượng nước lớn…
Anh Nguyễn Đại Dương (35 tuổi), ở đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: "Có những thói quen không tốt dẫn đến việc làm thất thoát nước sạch một cách lãng phí. Ví dụ như vừa đánh răng, cạo râu lại vừa bật vòi nước, vo gạo xong là đổ nước… Thay vì vậy, hãy tái sử dụng lại nước vo gạo để tưới cho cây hay rửa sàn toilet, chỉ bật vòi nước khi có nhu cầu sử dụng".
Chị Đỗ Thị Yến (31 tuổi), làm việc tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, H.Bình Chánh, TP.HCM, nói: "Trong bối cảnh vật giá tăng thì cần phải tiết kiệm. Bất kỳ ai cũng có thể thực hiện việc tiết kiệm nước. Không nên rửa chén, giặt đồ trực tiếp dưới vòi nước chảy. Mà cần đổ nước vào thau một cách vừa phải, đủ sử dụng. Nếu tắm dưới vòi sen, chỉ mở khi tắm chứ đừng xả nước một cách liên tục. Những cách tuy nhỏ nhưng có thể để lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm nước, làm đỡ gánh nặng chi tiêu".
Để không lãng phí nước, chị Trần Thị Thảo Nhi (35 tuổi), chủ một quán cà phê trên đường Lê Thị Riêng, Q.12, TP.HCM, nói: "Lúc trước tôi hay sử dụng nước để làm sạch sân, không gian của quán. Nhưng sau đó đã dùng chổi quét. Điều này giúp tiết kiệm nước một cách đáng kể. Tôi cũng dùng lại nước rửa chén, giặt đồ… để tưới cây".
Theo chị Nhi: "Chỉ từ những cách làm những tưởng đơn giản ấy đã giúp hóa đơn tiền nước giảm xuống đáng kể".
Nguyễn Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay: "Khi sử dụng bồn cầu, mọi người có thói quen thản nhiên ấn xả nước. Nhưng cách đó rất lãng phí. Thay vào đó, hãy đổ nước vào thùng và sử dụng nước để xả bồn cầu một cách vừa đủ sạch. Cách này giúp giảm lượng nước được sử dụng cho mỗi lần xả nước khi đi vệ sinh. Ngoài ra, khi ở trọ thường có máy giặt. Hãy giặt khi đồ dơ đã nhiều. Đừng giặt mỗi lần chỉ vài bộ quần, áo sẽ khiến tốn nước".
Lê Thanh Thủy, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, thì nói: "Để tiết kiệm nước, cách hay nhất là cần cẩn thận khóa tất cả vòi nước sau khi sử dụng. Biết tái sử dụng nước rửa rau, vo gạo, giặt quần áo… để dội sàn nhà, tưới cây. Có thể sử dụng nước mưa để rửa xe thay vì dùng nước sạch. Ngoài ra, đừng nên rửa đồ dưới vòi nước nếu không cần thiết. Ngoài ra, đừng tắm quá lâu...".
Còn bạn có hiến kế nào để tiết kiệm nước hiệu quả nhằm tránh lãng phí và tiết kiệm tiền? Xin mời để lại bình luận dưới bài viết.
Bình luận (0)