Giá trị điểm đến bền vững

27/12/2022 06:26 GMT+7

Chẳng cần phải đợi đến chuyện có tài xế taxi của một điểm đến du lịch chửi tục tĩu, ném đồ đạc của du khách thì chúng ta mới nhắc nhau về việc quản lý, giữ gìn giá trị điểm đến du lịch.

Cả trong tầm nhìn dài hạn và ứng phó ngắn hạn thì quản lý giá trị điểm đến du lịch là thách thức rất lớn đối với các nhà quản lý địa phương. Và khi một vùng đất nào đó muốn đặt mục tiêu phát triển địa phương mình thành một sản phẩm du lịch đích thực thì điều này lại càng quan trọng.

Trong cách tiếp cận ngắn hạn, một địa phương nào đó nếu sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đủ sức hấp dẫn mà muốn trở thành một “điểm đến mới nổi” thì không thiếu gì cách. Chủ yếu sẽ là đầu tư. Nhưng khoảng cách về đầu tư giữa các điểm đến tuy đặt ra các thách thức tài chính song xét cho cùng lại rất dễ san phẳng. Khoảng cách được tạo ra bằng tiền thì cũng sẽ dễ dàng được san phẳng chính bằng tiền. Khoảng cách về giá trị trải nghiệm đích thực mà du khách có được mới chính là điều thật sự khó.

Trải nghiệm của du khách tại điểm đến được xác nhận là một phức hợp các trải nghiệm không chỉ liên quan đến hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch, không chỉ liên quan đến tài nguyên du lịch, không chỉ liên quan đến môi trường sinh thái của điểm đến, mà còn liên quan rất nhiều đến phông văn hóa địa phương, đến môi trường tương tác thân thiện giữa cư dân địa phương với du khách.

Chưa kể, giữa những yếu tố này còn có một mối quan hệ chi phối kiểu “định đoạt”, nghĩa là nếu điểm đến có cảnh quan thiên thiên đẹp, có hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách rất hiện đại, có môi trường sinh thái hài hòa nhưng lại thiếu đi phông văn hóa ứng xử và tương tác thân thiện của cư dân địa phương thì sẽ khiến du khách cực kỳ thất vọng.

Thậm chí, sự tương phản giữa những điều đẹp đẽ có được từ ngoại cảnh sẽ trở nên cực kỳ phản cảm nếu không tương xứng với phông văn hóa ứng xử của cộng đồng địa phương tại điểm đến. Bản chất nhân văn của hoạt động du lịch đặt ra yêu cầu rất khắt khe về năng lực gây thiện cảm của cộng đồng cư dân điểm đến.

Không phải cứ xưng ra những ngôn từ mỹ miều kiểu “xứ sở của nụ cười” thì tự khắc là du khách sẽ cảm nhận được tấm thịnh tình của cư dân điểm đến. Không phải cứ quảng bá “vẻ đẹp bất tận” thì nơi nào chốn nào ở điểm đến cũng đem về vẻ đẹp thật sự, nhất là vẻ đẹp của những giá trị hành xử.

Mỗi điểm đến nếu thật sự quan tâm đến giá trị bền vững của điểm đến thì đừng vì quá mải mê với quảng bá, marketing điểm đến mà quên bẵng chuyện đầu tư nghiêm túc vào việc quản lý môi trường du lịch, thúc đẩy thực hành ứng xử “trên mức văn minh” với du khách. Và không chỉ thúc đẩy, mà còn phải kiểm soát nữa.

Chứ đợi cho đến khi nạn “chặt chém” giá và lối cư xử tệ hại trở thành phổ biến rồi mới loay hoay “triệu tập”, “xử lý” thì điểm đến có còn chút giá trị nào trong lòng du khách nữa không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.