Giá trị trái phiếu chậm trả nợ lên hơn 94.000 tỉ đồng

Mai Phương
Mai Phương
05/04/2023 15:37 GMT+7

Theo số liệu của FiinGroup vừa công bố, tính đến ngày 17.3 có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã chậm trả nợ với tổng giá trị 94.430 tỉ đồng.

Tổng giá trị trái phiếu bị chậm trả nợ chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong số đó, có 43 doanh nghiệp bất động sản (62,3%) với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ ở mức 78.900 tỉ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trị trái phiếu trễ hạn thanh toán.

69 doanh nghiệp phát hành này hiện có tổng nợ vay 233.700 tỉ đồng tính đến hết ngày 31.12.2022. Trong đó tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành ở mức 169.700 tỉ đồng và phần còn lại gồm vay tín dụng ngân hàng và nợ khác.

Giá trị trái phiếu chậm trả nợ lên hơn 94.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Giá trị trái phiếu chậm trả nợ tăng cao

NGỌC THẮNG

Số trái phiếu đã ở tình huống chậm trả chiếm 37% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Phần trái phiếu còn lại chưa đến hạn thanh toán là 75.286 tỉ đồng, có kỳ đáo hạn chủ yếu vào năm 2023 (ước tính 30.200 tỉ đồng) và 2024 (ước tính 21.900 tỉ đồng).

FiinGroup cho hay, ngành năng lượng có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp cao nhất, lên 63,1%, song quy mô trái phiếu năng lượng nhỏ và tập trung vào số ít doanh nghiệp. Còn bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17%, cao thứ hai sau ngành năng lượng. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện đang có quy mô lưu hành lên tới hơn 396.300 tỉ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị lưu hành.

Tuy nhiên, xét trên số liệu tổng thể của tín dụng trái phiếu, kênh huy động vốn này mới đáp ứng 33% trong tổng cơ cấu vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Như vậy, 67% nguồn vốn của ngành bất động sản đến từ tín dụng ngân hàng.

Về xu hướng tình hình trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024, FiinGroup cho rằng, vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396.300 tỉ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản đến kỳ đáo hạn. Áp lực nợ đáo hạn 107.500 tỉ đồng trong năm nay nhưng triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Báo cáo này cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.