Ngày 11.8, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 11 đồng, lên 23.837 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giảm nhẹ giá USD 10 đồng, Eximbank mua vào còn 23.510 - 23.590 đồng, bán ra 23.890 đồng; Vietcombank mua vào 23.540 - 23.570 đồng, bán ra 23.910 đồng…
Trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch bằng USD trong tuần (từ 31.7 - 4.8) đạt khoảng 339.704 tỉ đồng, bình quân 67.941 tỉ đồng/ngày, tăng 5.521 tỉ đồng/ngày so với tuần trước đó. Các kỳ hạn chủ yếu tập trung vào qua đêm và 1 tuần. Lãi suất USD hầu hết tăng ở các kỳ hạn từ 0,06 - 0,09%/năm. Lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lên mức 5,01%/năm, 5,05%/năm và 5,36%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất USD và tiền đồng ngày một tăng cao, từ 0,2 - 4,8%/năm.
Giá đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tăng, chỉ số USD-Index sau khi giảm từ 102,5 điểm xuống 102,2 điểm đã tăng lên lại mức 102,56 điểm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,2% so với hồi tháng 6. Mức 3,2% thấp hơn một ít so với dự báo đồng thuận là tăng 3,3% đã làm giá USD tăng trở lại.
Với chỉ số CPI 3,2%, con số này vẫn cao hơn so với mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vì vậy vẫn có rất nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25% trong năm nay. Ngay cả khi Fed quyết định không tăng lãi suất, việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ không được thực hiện ngay vì chặng đường tới mục tiêu 2% vẫn còn khá dài.
Một báo cáo riêng từ Bộ Lao động Mỹ hôm 10.8 cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiểu bang ban đầu đã tăng 21.000, đạt mức 248.000 trong tuần đầu tháng 8, vượt mức dự báo của nhà kinh tế là 230.000.
Tại Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng giảm, số liệu xuất nhập khẩu ảm đạm… cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại tạo ra mối lo ngại về nhu cầu đối với nguồn cung toàn cầu ít hơn. Thị trường chờ đợi những biện pháp kích thích kinh tế của nước này nhằm nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Điều quan trọng là, nếu gói kích thích không tác động đến nền kinh tế Trung Quốc trong vài tháng tới, thì các nền kinh tế lớn khác trên thế giới sẽ bắt đầu cảm nhận được tác động của sự tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc. Một kịch bản như vậy sẽ làm giảm đáng kể thị trường hàng hóa thô, vì Trung Quốc là nước tiêu dùng hàng hóa thô. Thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc.
Bình luận (0)