Sáng 22.6, giá USD tự do giảm 70 đồng so với hôm qua, đưa giá mua vào xuống 23.160 đồng/USD và bán ra 23.260 đồng/USD. Chênh lệch giữa giá mua và bán USD tự do tiếp tục giữ nguyên ở mức 100 đồng. Ngược lại, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố đầu ngày tăng 17 đồng so với hôm qua, lên 23.184 đồng/USD. Tương tự, ngân hàng Vietcombank tăng 20 đồng lên giá mua vào 22.890 đồng/USD và bán ra 23.120 đồng/USD; Eximbank cũng tăng 20 đồng lên giá mua vào là 22.920 đồng/USD và bán ra 23.100 đồng/USD...
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến ngày 21.5, tín dụng tăng 4,67%, cao hơn so với mức tăng 2% cùng kỳ của năm trước. Có vẻ nhu cầu tiền đồng ngày một cao trong bối cảnh các doanh nghiệp tận dụng mức lãi suất thấp để vay hết hạn mức. Điều này đưa lãi suất tiền đồng qua đêm và một tuần trên thị trường liên ngân hàng tăng lên tương ứng khoảng 1,2%/năm và 1,33%/năm (mức tăng 60-65 điểm phần trăm mỗi loại). Điều này cũng khiến nhu cầu ngoại tệ giảm và tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục đi xuống theo đà sụt giảm của thế giới.
Đầu ngày 22.6, giá USD thế giới tiếp tục giảm khi chỉ số USD-Index hạ xuống 91,97 điểm, mất 0,28 điểm so với hôm qua. Dù vậy, giá USD vẫn duy trì ở mức cao đạt được sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có những quyết định liên quan đến thay đổi chính sách lãi suất. Giám đốc Fed Jerome Powell cho biết các thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đã bắt đầu thảo luận về việc dừng chương trình mua trái phiếu của ngân hàng trung ương. Tin tức này đã đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn lên cao hơn, nhưng lợi suất kỳ hạn dài đã giảm khi các nhà giao dịch giảm rủi ro lạm phát dài hạn của Mỹ khi Fed có quan điểm tích cực hơn. Các nhà phân tích tại ING dự đoán việc giảm dần chương trình mua tài sản này sẽ bắt đầu từ tháng 9 chứ không phải tháng 12 và đồng USD sẽ có khả năng tăng giá...
Bình luận (0)