Ngày 27.7, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 10 đồng, xuống còn 23.736 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng cuối ngày 26.7, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.672 đồng/USD, tăng 12 đồng so với trước đó. Các ngân hàng thương mại tăng giá USD 10 đồng, Eximbank mua vào lên 23.440 - 23.520 đồng, bán ra 23.830 đồng; Vietcombank mua vào với giá 23.470 - 23.500 đồng, bán ra 23.840 đồng…
Trên thị trường quốc tế, đồng bạc xanh giảm giá so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index xuống còn 100,97 điểm, mất 0,13 điểm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức tăng lãi suất thêm 0,25%, từ 5 - 5,25% lên 5,25 - 5,5%/năm, nhằm đạt được lạm phát mục tiêu 2%.
Quyết định này đã được thị trường dự báo và đồng USD cũng đã tăng giá trước đó. Ủy ban Thị trường mở liên bang FOMC (thuộc Fed) đánh giá, thị trường việc làm tại Mỹ vẫn mạnh và nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức độ vừa phải, hệ thống ngân hàng an toàn và việc thắt chặt tín dụng đang áp lực lên các hoạt động kinh tế. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed với quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nâng nhẹ triển vọng kinh tế thế giới. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, IMF dự báo GDP toàn cầu năm 2023 tăng 3%, tăng 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 4. Nguyên nhân chính tăng mức dự báo lên do các rủi ro về hệ thống ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ hồi đầu năm đã được kiểm soát.
IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng 1,8% trong năm nay, Nhật Bản tăng 1,4%, Anh tăng 0,4% và Eurozone tăng 0,9%. Về các nước đang phát triển, IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay (không thay đổi) và Ấn Độ tăng trưởng 6,1%.
Sang năm 2024, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 3%, không tăng tốc so với năm 2023 và cũng không thay đổi so với dự báo trước.
Bình luận (0)