Hôm qua, Cục Hàng không VN đã đề xuất giảm mức trần giá cước vận chuyển hành khách nội địa. Trước đó, nhiều hãng taxi, vận tải cũng thông báo giảm giá cước, tuy nhiên, mức giảm nói chung đến nay vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá xăng sau 11 lần điều chỉnh giảm.
Giá cước vận tải chưa giảm một cách sòng phẳng so với giá xăng - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Hàng không đang "cân nhắc"
|
Trên thực tế, việc giảm giá trần không tác động nhiều đến giá vé máy bay hiện tại, vì theo ông Bình, các hãng hàng không trong nước đều đang xây dựng dải giá thấp hơn giá trần. Với đường bay Hà Nội - TP.HCM, mức giá bình quân các hãng đăng ký xung quanh mốc 2,6 triệu đồng/chiều. Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jestar Pacific (JPA) cho biết các mức giá của JPA đưa ra hiện nay đều thấp hơn mức giá trần trước đây cũng như mức giá trần mới mà Cục Hàng không đề xuất, nên giá vé không bị tác động bởi việc thay đổi khung giá trần.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng việc giá xăng dầu giảm sâu hiện tại đang là điều kiện cho các hãng tiết kiệm chi phí để giảm giá vé cũng như tăng các chương trình khuyến mãi. Theo ông Hà, 5 tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm 2013, mặt bằng giá vé chung của Jestar đã giảm khoảng 20%. Dự kiến nửa đầu năm 2015, với mức giá xăng dầu như hiện nay, Jestar sẽ giảm tiếp 10 - 12% giá vé trên một số đường bay. Đại diện các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air cho biết đã thực hiện giảm giá tùy từng đường bay và thị trường, đặc biệt là tung ra nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt khi mở các đường bay mới. Dù giá xăng dầu đã giảm, nhưng theo các hãng, việc giá vé máy bay có giảm hay không phải cân đối trên nhiều yếu tố, đặc biệt là việc quan sát mức giá của các hãng đối thủ trên các chặng bay cạnh tranh.
Taxi đổ lỗi cho xăng dầu
Tính đến thời điểm này, đã có gần 60 hãng taxi đăng ký giảm giá với Sở Tài chính Hà Nội với mức giảm trung bình chỉ từ 4 - 9%, tương ứng từ 500 - 1.000 đồng/km. Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết đã có hơn 20 doanh nghiệp (DN) vận tải khách tuyến cố định như Công ty CP Hoàng Hà, Công ty CP xe khách Thái Bình, Xí nghiệp xe khách phía nam... đăng ký giảm giá với mức giảm từ 3 - 11%. Tuy nhiên, sự thiếu sòng phẳng là không chỉ nằm ở việc giảm "cầm chừng" mà còn ở sự chần chừ kéo dài. Tới giữa tháng 11 mới có 2/3 số DN đã đăng ký giảm. Tới thời điểm này khi giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu thêm nhiều đợt, các DN vận tải khách tuyến cố định cũng như taxi vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá tiếp.
Tại TP.HCM tính đến chiều 16.12, có 7 hãng taxi giảm với mức là 500 đồng/km, chỉ chiếm hơn 3% trên tổng mức giá. Trả lời thắc mắc của PV Thanh Niên về kế hoạch giảm giá tiếp, một đại diện hãng taxi lớn ở phía nam cho rằng DN không thể điều chỉnh giá theo từng giờ từng ngày được do giá xăng trong nước thiếu tính ổn định. Còn theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, “mức giảm này được Bộ Tài chính hoan nghênh”.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, bất luận thế nào, giá cước taxi của các nước trên thế giới cũng phải theo biến động của giá xăng, dầu thế giới. Không thể lấy lý do rằng giá xăng của VN chưa ổn định, nên DN cũng “không ổn định” theo. “Đã theo cơ chế thị trường, việc tuân theo giá thế giới là điều hiển nhiên, và giá xăng thế giới đang biến động từng ngày, DN không thể đòi hỏi một sự ổn định đến vô lý thế được. Ngoài ra, theo Nghị định 84, 15 ngày mới điều chỉnh giá xăng dầu một lần. Tuy nhiên, với sự biến động giá từng ngày thế này, việc quy định này vẫn chưa hợp lý. Chính vì chưa hợp lý nên DN vận tải có cái “cớ” làm lơ việc giảm giá giá cước. Các quốc gia vận hành theo cơ chế thị trường đều điều chỉnh giá xăng dầu theo từng giờ, từng ngày đó thôi”, TS Long nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành, câu chuyện về giá xăng dầu, giá cước vận tải VN như một vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết. Chúng ta chưa có chế tài mạnh buộc DN đi vào đúng vòng quay của thời cuộc. Rằng giá xăng dầu giảm mạnh rồi đó, cước vận tải nên giảm thế nào phù hợp. Chưa ai đưa ra mức tính cụ thể như thế nào cho chính xác mà chỉ nói theo cảm tính. Điều này tôi nghĩ cơ quan quản lý tài chính, vận tải phải tính toán cẩn trọng kẻo thiệt đơn thiệt kép cho DN nói chung”.
Cụ thể hơn, TS Ngô Trí Long dẫn chứng: Giá dầu thô thế giới đến nay giảm đến 38% trong khi đó VN mới giảm trên 20%. Riêng mức giảm đó là chưa tương xứng với thế giới bởi chúng ta đang nhập khẩu đến 70% tổng lượng xăng dầu của cả nước. “Vấn đề là cần phải sòng phẳng với người tiêu dùng. Giá xăng thế giới giảm sâu, chúng ta phải có cơ chế giá bám sát với thế giới. Từ đó, giá các chi phí đầu vào cho DN buộc các DN vận tải phải vận hành theo đúng cơ chế bám sát đó. Cơ chế về giá của chúng ta phải theo đúng cơ chế thị trường, cạnh tranh tốt thì không có gì là khó để yêu cầu một mức giá hợp lý cả”.
Bình luận (0)