Giá vàng bình ổn trồi sụt ra sao trong gần 3 tháng?

28/08/2024 17:52 GMT+7

Gần 3 tháng qua, giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước bán trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC trải qua 10 mức giá khác nhau, cao nhất 80 triệu đồng/lượng và thấp nhất 75,98 triệu đồng/lượng.

Bước giá điều chỉnh cao nhất hơn 3 triệu đồng/lượng

Sau khi giải pháp đấu thầu nhằm bình ổn thị trường vàng thất bại, từ ngày 3.6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiến hành bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Giá vàng mà 5 đơn vị trên bán tới tay người dân luôn cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá Ngân hàng Nhà nước bán ra.

Giá vàng bình ổn trồi sụt ra sao trong gần 3 tháng?- Ảnh 1.

Gần 3 tháng qua, mức giá vàng miếng SJC Ngân hàng Nhà nước bán ra cao nhất 80 triệu đồng/lượng và thấp nhất 75,98 triệu đồng/lượng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Gần 3 tháng qua, giá vàng miếng SJC mà Ngân hàng Nhà nước bán ra trải qua 10 mức thay đổi, cao nhất là 80 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 75,98 triệu đồng/lượng. Tương ứng, giá vàng cao nhất 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC bán tới tay người dân là 81 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 76,98 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, ngày 3.6, giá bán vàng miếng trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước là 78,98 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa với giá bán tới tay người dân là 79,98 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá giảm rất mạnh so mức đỉnh điểm hơn 92 triệu đồng/lượng ngay trước đó trên thị trường vàng tự do.

Biến động vàng ngày 29.8: Giá vàng nhẫn neo ở đỉnh kỷ lục

3 ngày liên tiếp từ 4 - 6.6, mỗi ngày giá vàng SJC Ngân hàng Nhà nước bán ra giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó, lần lượt ở mức 77,98 triệu đồng/lượng; 76,98 triệu đồng/lượng; 75,98 triệu đồng/lượng.

Từ ngày 6.6 đến trước ngày 18.7, giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước bán ra giữ nguyên ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC được 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC niêm yết vì thế cũng giữ nguyên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.

Trong quá trình này, giá vàng thế giới có nhiều biến động, thậm chí có thời điểm tăng vọt khiến giá vàng nhẫn trong nước tăng mạnh. Có thời điểm, giá vàng nhẫn ngang bằng, thậm chí cao hơn cả giá vàng SJC.

Sau quá trình dài bất động, ngày 18.7, giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước bán ra tăng mạnh hơn 3 triệu đồng/lượng, từ 75,98 triệu đồng/lượng lên mức 79 triệu đồng/lượng.

Động thái điều chỉnh này đã khiến giá vàng miếng SJC ngày 18.7 trên thị trường trở lại cao hơn giá vàng nhẫn cùng thương hiệu khoảng 2,5 triệu đồng/lượng thay vì ngang giá như ngày 17.7, hoặc thậm chí thấp hơn giá vàng nhẫn trong vài ngày trước đó.

Tại thời điểm này, trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tăng giá vàng bán ra hơn 3 triệu đồng/lượng là "hơi bất ngờ, hơi sốc nhưng vẫn hợp lý", bởi giá vàng thế giới tăng, giá vàng SJC tăng theo là đương nhiên.

Dù vậy, theo ông Phương, Ngân hàng Nhà nước không nên điều chỉnh tăng giá sốc mà xử lý bằng cách tăng từ từ, tránh gây tâm lý hoang mang trên thị trường; nên xem xét tăng giá vàng miếng SJC khi giá vàng thế giới biến động tăng khoảng 40 - 50 USD/ounce, chứ không để tình trạng giá vàng thế giới biến động quá nhiều mới điều chỉnh giá vàng SJC.

Phải sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng nhưng tránh "sốc"

Từ ngày 18.7 đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh giá vàng miếng SJC bán ra. Cách thức điều chỉnh có phần linh hoạt hơn giai đoạn trước đó, bám sát biến động của giá vàng thế giới. Bước giá điều chỉnh tăng hoặc giảm cao nhất ở mức 1,5 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 500.000 đồng/lượng.

Giá vàng bình ổn trồi sụt ra sao trong gần 3 tháng?- Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực sự bình ổn thị trường vàng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

ẢNH: ĐAN THANH

Cụ thể, sau ngày 18.7, Ngân hàng Nhà nước 2 lần giảm giá bán vàng vào các ngày 23.7 và 30.7, mỗi lần giảm 500.000 đồng/lượng, tương đương giá vàng sau giảm lần lượt là 78,5 triệu đồng/lượng và 78 triệu đồng/lượng.

Trong dịp điều chỉnh giá bán vàng ngày 1.8, giá vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước bán ra là 78,8 triệu đồng/lượng. Tiếp đó, ngày 6.8, Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán vàng miếng 800.000 đồng/lượng, còn 78 triệu đồng/lượng; đến ngày 8.8 lại giảm 500.000 đồng/lượng, còn 77,5 triệu đồng/lượng.

Giá bán vàng miếng trực tiếp được Ngân hàng Nhà nước thông báo ngày 13.8 là 79 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với giá bán thông báo ngày 8.8.

Trong lần điều chỉnh giá bán vàng miếng gần nhất ngày 20.8, mức giá Ngân hàng Nhà nước bán ra là 80 triệu đồng/lượng.

Suốt từ ngày 3.6 đến nay, mỗi lần thông báo điều chỉnh giá bán vàng miếng SJC, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.

Đánh giá về các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhằm bình ổn thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng các giải pháp đã giải quyết được một số vấn đề của thị trường vàng, có thể coi là "tạm ổn". Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ còn vài triệu đồng mỗi lượng là phù hợp.

Tuy nhiên, bán vàng bình ổn chỉ là giải pháp mang tính tình thế, không thể mãi kéo dài. Kết quả đạt được hiện tại chưa thể gọi là bình ổn thị trường vàng một cách đầy đủ. Bình ổn nghĩa là nguồn hàng phải dồi dào, thị trường mua bán dễ dàng.

"Sau mấy tháng Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng trực tiếp cho 5 đơn vị, đã đến lúc nên dừng biện pháp này và chuyển sang quản lý theo thị trường, đưa vàng trở lại thị trường đúng quỹ đạo", ông Tú bày tỏ quan điểm.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, giá vàng SJC trong nước hiện chỉ chênh với giá vàng thế giới khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng. Khả năng tình trạng vàng loạn sóng, tăng giá như trước đây sẽ không còn.

Nhấn mạnh "Ngân hàng Nhà nước không thể mãi bình ổn giá vàng, nên trả lại cho thị trường quyết định", ông Phương lý giải, điều này có nghĩa là để thị trường quyết định lực mua cung - cầu, Ngân hàng Nhà nước đứng sau giám sát xem có bất thường hay không. Nếu có động thái bất thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vào điều chỉnh như thời gian qua.

Ví von thị trường vàng trong nước và thế giới phải như "bình nước thông nhau", giá vàng thế giới lên thì giá vàng trong nước lên và ngược lại, ông Tú nhấn mạnh giải pháp bắt buộc phải sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó, cần tăng nguồn cung vàng bằng cách nới lỏng cho một số doanh nghiệp lớn đủ điều kiện được nhập khẩu vàng, sau đó dần dần mở rộng ra.

Tuy nhiên, theo ông Tú, cũng cần sửa đổi, điều chỉnh từ từ tránh tình trạng điều chỉnh "sốc". Nguyên tắc là bao giờ cũng phải theo thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu mà chỉ là "bà đỡ" cho ra cơ chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.