Chi phí mua vàng nguyên liệu tăng thêm 7 - 10%
Mở đầu câu chuyện với Thanh Niên về hoạt động kinh doanh vàng thời gian gần đây, bà Bùi Hồng Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP Ancarat Việt Nam, thốt lên: "Rất chán. Năm nay, kinh tế khó khăn nên tình hình buôn bán kém khả quan. Vừa qua, giá vàng thế giới tăng, vàng trong nước cũng tăng thì có người mua, những lúc vàng xuống giá, rất vắng người mua".
Vấn đề khiến bà Tâm khá lo lắng, băn khoăn là nguồn vàng nguyên liệu. Từ trước tới nay, vàng nguyên liệu chủ yếu được doanh nghiệp mua từ nguồn vàng trong dân, nhưng hiện nay các quy định siết chặt hơn, mua vàng phải đảm bảo chứng từ đầy đủ. Cạnh đó, nguồn vàng trong dân đem bán thời gian này cũng không dồi dào.
"Cần nguyên liệu để sản xuất, doanh nghiệp phải chuyển qua mua vàng nguyên liệu của Công ty SJC với mức giá đắt hơn khoảng 7 - 10% so với mua vàng nguyên liệu từ trong dân. Tập trung sản xuất vàng nữ trang nên loại vàng Ancarat mua của Công ty SJC chủ yếu là vàng nữ trang 99% hoặc vàng nữ trang 95%, khi mua về doanh nghiệp pha thành vàng 18k hoặc vàng 2 số 9.
Ancarat phải chuẩn bị sẵn nguồn hàng trong kho, đặc biệt là chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp tết sắp tới nên phải tăng mua nguyên liệu. Mua vàng nguyên liệu từ Công ty SJC đơn giản, chủ động hơn. Tuy nhiên, do chi phí mua vàng nguyên liệu tăng nên giá thành sản phẩm cũng đội lên", bà Tâm cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhấn mạnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước mới giải quyết được câu chuyện vàng miếng SJC, chưa giải quyết được vấn đề vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng nhẫn và vàng trang sức.
"Hiện nay, các doanh nghiệp muốn sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức nhưng không có nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp đang phải giải quyết bài toán đầu ra, đầu vào; mua nguồn nguyên liệu có hóa đơn, chứng từ để sản xuất ra sản phẩm vàng phục vụ nhu cầu người dân.
Tuy nhiên, việc mua vàng nguyên liệu có hóa đơn chứng từ khá khó. Dẫn đến lượng vàng nguyên liệu có chứng từ ít, nên lượng bán ra ít theo", ông Phương nói.
Cho phép nhập vàng nguyên liệu nhưng có kiểm soát
Bà Tâm bày tỏ: "Các doanh nghiệp kinh doanh vàng như chúng tôi rất mong được chủ động hơn trong vấn đề vàng nguyên liệu. Có thể có cơ chế để doanh nghiệp được tự nhập hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập về và cho doanh nghiệp được phép đấu giá mua lại. Tuy nhiên, mấu chốt là giá đưa ra phải sát với giá vàng thế giới".
Giải quyết khó khăn trong vấn đề vàng nguyên liệu, theo ông Phương, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn và vàng trang sức.
"Mười mấy năm nay không nhập vàng, giờ có thể cho phép doanh nghiệp nhập theo hạn mức, Ngân hàng Nhà nước cấp quota cho doanh nghiệp hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập vàng về bán lại cho doanh nghiệp có nhu cầu.
Các doanh nghiệp đưa ra phương án tờ trình cần bao nhiêu lượng vàng, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào đó để bán vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp", ông Phương chia sẻ quan điểm.
Nhiều lần trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh bày tỏ trăn trở về câu chuyện bỏ độc quyền vàng miếng SJC cũng như cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu.
"Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát được thị trường chứ không phải mở toang. Sản xuất vàng miếng kiểm soát bằng quota sản xuất, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng kiểm soát bằng quota nhập khẩu, không để tự do muốn nhập bao nhiêu thì nhập. Khi kiểm soát như vậy, các vấn đề về tỷ giá, ngoại hối cũng kiểm soát được.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã kiến nghị, trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp (PNJ, SJC, DOJI) được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương đương mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm. Doanh nghiệp cũng chỉ xin nhập trong phạm vi có kiểm soát", Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thông tin.
Công văn 2528 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM gửi các doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (TSMN) trên địa bàn ngày 29.7 nêu rõ: sản xuất vàng TSMN là lĩnh vực có mối liên quan và tác động trực tiếp đến thị trường vàng, đến hiệu quả điều hành vĩ mô và ổn định thị trường cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng TSMN cần chấp hành nghiêm một số nội dung.
Cụ thể, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng TSMN. Đồng thời, tuân thủ trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng TSMN được quy định tại điều 6 Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng khi đi vào hoạt động.
Theo đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Bình luận (0)