(TNO) Sự phục hồi trở lại của thị trường chứng khoán và lực mua tăng sau khi đồng USD giảm đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất 1.123 USD/ounce, trước khi đóng cửa ở mức 1.117 USD/ounce vào hôm 17.8, tăng 4 USD/ounce so với phiên trước đó.
Theo Reuters, đồng USD giảm sau báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất Mỹ xuống thấp nhất 6 năm trong tháng 8. Bên cạnh đó, những bất ổn vẫn còn đó sau động thái phá giá nội tệ của Trung Quốc là nguyên nhân đẩy giá vàng tiếp tục tăng.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản phiên họp cuối tháng 7. Qua đó, những bình luận mang tính tác động đến diễn biến thị trường từ Fed sẽ cho thấy thời điểm cơ quan này nâng lãi suất.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số đạt mức tăng khả quan nhờ sức bật nhóm cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở. Trong đó, chỉ số S&P 500 tăng 0,5%, lên 2.102,44 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4%, đóng cửa đạt 17.545,18 điểm.
Còn giá dầu thô trong ngày 17.8 tiếp tục giảm, do thông tin từ Iran vừa tiết lộ rằng sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 33 triệu thùng/ngày, sau khi các quan chức cho biết, lệnh cấm vận với nước này được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, nền kinh tế Nhật Bản - nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới đang tăng trưởng chậm lại cũng góp phần gây áp lực giảm lên giá dầu.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu WTI giao tháng 9 ở mức 41,87 USD/thùng, giảm 63 cent so với phiên liền trước, còn dầu thô Brent giao kỳ hạn tháng 9 giảm 45 cent còn 48,74 USD/thùng, theo Bloomberg.
Sáng nay 18.8, giá mua - bán vàng miếng SJC tiếp tục đi ngược chiều với giá thế giới. Tại Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá mua - bán giảm 30.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua, còn 33,85 - 34,15 triệu đồng/lượng. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức 4,2 triệu đồng/lượng.
Giá bán USD của các ngân hàng thương mại sáng nay vẫn ở mức kịch trần 22.106 đồng/USD. Chẳng hạn, Eximbank, Techcombank 22.030 - 22.106 đồng/USD, ACB 22.050 - 22.106 đồng/USD...
Cùng ngày, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.106 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.240 đồng/USD. Còn giá USD trên thị trường liên ngân hàng ở mức 22.095 đồng/USD, cao hơn giá bán USD của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, ở mức 22.085 đồng/USD.
Bình luận (0)