Vàng tăng kép
Sau khi vượt mức 69 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC vẫn không ngừng tăng nhanh bất chấp giá trên thị trường quốc tế đã bị hãm phanh. Giá vàng miếng SJC ngày 20.9 có thời điểm lên tới 69,4 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji mua vào với giá 68,55 triệu đồng nhưng bán ra lên 69,4 triệu đồng. Công ty Phú Quý SJC mua vào 68,6 triệu đồng, bán ra 69,3 triệu đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 68,5 triệu đồng, bán ra 69,2 triệu đồng (có lúc lên 69,3 triệu đồng). Eximbank mua vàng miếng với giá 68,7 triệu đồng/lượng, bán ra 69,2 triệu đồng.
Đến chiều cùng ngày, giá vàng có xu hướng giảm nhẹ nhưng đây là mức giá cao nhất trong năm nay. Giá vàng nhẫn cũng tăng lên mức cao nhất trong năm khi vượt qua 58 triệu đồng/lượng, Công ty SJC mua vào lên 57,05 triệu đồng, bán ra 58,1 triệu đồng.
Như vậy, so với đầu năm, giá vàng nhẫn tăng 4,1 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng SJC tăng 2,1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới trong ngày có xu hướng đi xuống khi mất 7 USD/ounce, còn 1.928 USD/ounce. Với diễn biến này, tốc độ tăng giá của vàng trong nước đang nhanh hơn so với giá quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, lý giải vàng trong nước tăng theo giá quốc tế đồng thời còn chịu tâm lý giá USD trong nước tăng lên, dẫn đến thị trường xuất hiện lực mua. Nhưng giá vàng tăng cao khiến lực mua giảm nên các công ty kinh doanh vàng trong nước đã điều chỉnh giá đi xuống tùy theo thời điểm trong ngày.
Áp lực từ tỷ giá lên giá vàng đã diễn ra nhiều ngày qua. Chiều ngày 20.9, giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục biến động theo xu hướng giảm dần. Giá USD tại Eximbank giảm 60 đồng sau khi tăng lên mức cao, còn 24.070 - 24.150 đồng chiều mua vào, bán ra 24.470 đồng. Vietcombank mua vào 24.175 - 24.205 đồng, bán ra 24.480 đồng… So với cách đây 1 tháng, giá USD tăng khoảng 500 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 2,2%.
Nhìn lại từ đầu tháng 9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỷ giá trung tâm lên cao. Chỉ trong ngày hôm qua, tỷ giá trung tâm đã cộng thêm 19 đồng, đạt 24.079 đồng, nâng mức tăng từ đầu tháng 9 đến nay lên 102 đồng, tương ứng 0,42%. Giá bán USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng lên mức 25.232 đồng, trong khi giá mua vào vẫn ở mức 23.400 đồng.Trên thị trường liên ngân hàng, các nhà băng giao dịch tỷ giá lên mức 24.300 đồng mỗi USD, giảm 50 đồng trong ngày 20.9.
Tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC VN, nhận xét: Tỷ giá USD/VND đã có những bước tăng mạnh trong trung tuần tháng 9, lên mức đỉnh lịch sử. Bên cạnh những yếu tố cơ bản về vĩ mô, nhu cầu ngoại tệ tăng cao của khách hàng trong giai đoạn cuối quý và sắp tới là cao điểm cuối năm cũng là một trong những nguyên nhân đằng sau việc tăng gia này.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, mức tăng của USD/VND trong năm nay về cơ bản sẽ khác so với cùng kỳ năm trước và sẽ ít biến động hơn do nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 đang xuất siêu 19,9 tỉ USD. Vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt gần 18,15 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, số thực hiện ước đạt 13,1 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, có cơ sở để dự báo cung ngoại tệ hiện nay vẫn đủ cân đối cầu trên thị trường.
Về trung, dài hạn, Nhóm nghiên cứu HSBC đưa ra dự báo cặp tỷ giá USD/VND sẽ tiếp nối đà tăng trong những tháng sắp tới, mặc dù mức độ biến động có thể không nhiều như giai đoạn cùng kỳ năm trước. Tỷ giá USD/VND có thể đạt mức 24.200 đồng, tương đương mức giá khoảng 3,5% cho cả năm nay.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, một số nguyên nhân khiến đồng USD tiếp tục đà mạnh lên trong năm nay và chưa có dấu hiệu suy yếu là do dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ chưa cho thấy dấu hiệu suy giảm. Điều này vô hình trung tạo nên áp lực tỷ giá cho các đồng tiền trong khu vực, trong đó có VN. Ở phía ngược lại, Trung Quốc chưa cho thấy được đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau khi mở cửa sau đại dịch Covid-19 như kỳ vọng. Đồng nhân dân tệ cũng mất giá kỷ lục trong năm nay. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của VN nên VND cũng chịu sức ép nhất định.
Thêm vào đó, sau khi mua ròng mạnh cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng suốt 5 tháng gần đây trên thị trường chứng khoán. Hoạt động của nhóm nhà đầu tư này, cùng với yếu tố mùa vụ khi nhu cầu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cao trong những tháng cuối năm, khiến nhu cầu ngoại tệ càng được đẩy cao.
Giới phân tích chứng khoán phân tích lý do của tỷ giá tăng trong những ngày gần đây do chỉ số USD - Index tăng lên mức cao 105 điểm trước số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ bền vững hơn kỳ vọng bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị công bố chính sách tiền tệ trong tuần này. Ngoài ra, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và USD ở mức cao gia tăng áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn trong kiểm soát và chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì trong nước vào những tháng còn lại của năm. Trong dài hạn, cán cân tài khoản vãng lai của VN liên tục dương nhờ thặng dư thương mại và dòng vốn FDI ổn định nhờ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là các yếu tố hỗ trợ chính cho VND.
Chính sách điều hành của Mỹ và VN tiếp tục cho thấy sự khác biệt. Trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và neo lãi suất ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương tiên phong tại châu Á hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, thanh khoản tiền đồng cũng được duy trì dồi dào trong bối cảnh hoạt động giải ngân tín dụng còn chậm. Những nguyên nhân kể trên sẽ tiếp tục tạo xu hướng cho đà tăng của tỷ giá từ nay tới cuối năm.
Ông Ngô Đăng Khoa, HSBC VN
Bình luận (0)