Ngày 7.5, hợp đồng dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 6 đóng cửa phiên cuối tuần tăng 2,35 USD (tương đương 2,17%) lên 110,61 USD/thùng; dầu Brent chuẩn toàn cầu giao tháng 7 tiến thêm 83 cent (tương đương 0,74%) lên 113,22 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm dầu WTI vọt lên mức 111,18 USD/thùng.
Dầu thế giới lại vọt trên mốc 113 USD/thùng trong phiên cuối tuần |
REUTERS |
Như vậy, trong tuần qua, cả hai loại dầu tăng hơn 6% trong bối cảnh áp lực đồng USD mạnh lên, lệnh cấm dầu của Nga từ EU và OPEC+ tuyên bố chỉ tăng sản lượng giới hạn trong 6 tháng tới.
Thông tin Mỹ có kế hoạch mua 60 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược trong ngày cuối tuần càng đẩy giá dầu leo thang.
Trong nước, theo Bộ Công thương, nguồn cung xăng dầu dự kiến trong quý 2 khoảng 6,7 triệu m3 từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800.000 m3/tháng tương đương cả quý 2 là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quý 1 chuyển sang (1,5 triệu m3). Nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý 2 và tồn kho gối đầu sang quý 3 khoảng 1,5 triệu m3.
Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Ngày 7.5, giá xăng dầu bán lẻ niêm yết phổ biến như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 27.468 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 28.434 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.530 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 23.828 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 21.560 đồng/kg.
Bình luận (0)