Giá xăng dầu Việt Nam ở đâu so với thế giới?

24/10/2022 06:09 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, giá xăng Việt Nam đang “thấp nhất thế giới”. Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm, rằng giá xăng dầu của Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

Giá xăng Việt Nam đứng thứ 30/170 nền kinh tế

Sáng 22.10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng Việt Nam duy trì giá xăng ở ngưỡng từ 21.000 - 25.000 đồng/lít và thời điểm này là 23.000 đồng/lít. Với mức giá này, xăng dầu của Việt Nam đang “thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới”, trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua với giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta.

Vấn đề của thị trường xăng dầu là giải bài toán nguồn cung

Ngọc Dương

Tham khảo bảng giá xăng dầu toàn cầu trên trang Global Petrol Prices (xếp theo thứ tự giá thấp nhất đến cao nhất) cập nhật đến ngày 17.10 cho thấy giá xăng của Việt Nam đang ở vị trí thứ 30/170 nền kinh tế. Thứ bậc này so với trước đây giảm nhiều. Chẳng hạn, đầu tháng 6, giá xăng Việt Nam ở vị trí 79/170 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới, vào giữa tháng 3.2022 thì ở vị trí 74/170 trong bảng xếp hạng giá xăng dầu và GDP bình quân đầu người ở các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Dẫn rất nhiều số liệu về tồn kho, nguồn sản xuất trong nước, nhưng qua các cuộc thị sát tại kho, không phải thị sát tại cây xăng đang treo biển hết hàng, cơ quan quản lý chưa có câu trả lời thỏa đáng vì sao nhiều cây xăng cứ bị đứt gãy nguồn cung trước mỗi kỳ điều chỉnh giá mới theo hướng tăng?

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

Với số liệu cập nhật từ Global Petrol Prices, rõ ràng giá xăng của Việt Nam còn cao hơn 29 nền kinh tế chứ chưa “rẻ nhất thế giới”. Cụ thể, theo trang này, giá xăng Việt Nam đang ở mức 22.790 đồng/lít (quy đổi USD sang tiền đồng), cao hơn 2 nước tại khu vực Đông Nam Á là Indonesia (22.446 đồng/lít), Malaysia (10.621 đồng/lít); cao hơn nhiều thị trường khác như Brazil (22.666 đồng/lít), Nigeria (10.961 đồng/lít), Qatar (14.095 đồng/lít), Bolivia (13.246 đồng/lít), Ai Cập (13.364 đồng/lít), Tunisia (17.998 đồng/lít)… Cũng theo bảng giá này, Venezuela đang có giá xăng rẻ nhất thế giới với mức 387,3 đồng/lít, thứ nhì là Libya 727,4 đồng/lít, kế đó là các nước Iran, Algeria, Kuwait…

Vùng lãnh thổ có giá xăng đắt nhất thế giới là Hồng Kông với mức giá là 2,942 USD/lít (tương đương hơn 73.000 đồng/lít), đắt gấp hơn 3 lần giá xăng của Việt Nam. Thế nhưng GDP bình quân đầu người của người dân Hồng Kông theo số liệu của Ngân hàng Thế giới là 49.660 USD/năm, gấp gần 15 lần của Việt Nam (GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 là 3.364 USD).

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có giá xăng đang đắt gấp đôi giá xăng tại Việt Nam thì đa số là các nước phát triển, nơi có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam 10 đến 20 lần, như Singapore, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ…

Theo Global Petrol Prices, có sự khác biệt đáng kể về giá xăng dầu giữa các quốc gia. Nguyên tắc chung là các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn, trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có giá thấp hơn đáng kể. Một ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ, quốc gia có nền kinh tế tiên tiến nhưng lại có giá khí đốt thấp. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu trên thị trường quốc tế như nhau, nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.

Giá hàng hóa phải đi đôi với thu nhập

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng có thể hiểu câu nói của vị tư lệnh ngành công thương là giá xăng Việt Nam thuộc nhóm các nước thấp nhất thế giới nếu chia thành 5 nhóm theo cách chia ngũ phân vị. Như vậy, đúng là giá xăng Việt Nam thuộc nhóm 1, thấp nhất các nền kinh tế. Điều này cũng có thể hiểu ngành công thương muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành trong tham mưu để đạt mức giá này. Công tác điều hành giá xăng dầu trong sự bất định của thị trường xăng dầu thế giới đạt hiệu năng thực sự. Tuy nhiên, việc so sánh giá xăng Việt Nam đang “rẻ nhất thế giới” thật ra không có nhiều ý nghĩa, hay nói đúng hơn là chưa chính xác và dễ gây nhầm lẫn. Bởi nếu tính tỷ trọng chi tiêu cho giá xăng trên tổng thu nhập của người dân, thì thứ hạng về giá xăng của Việt Nam sẽ rất khác những gì Global Petrol Prices thống kê.

“Vấn đề của xăng dầu không phải là chuyện giá rẻ hay đắt vì chúng ta đã chấp nhận theo giá thế giới khi tăng hay giảm. Vấn đề ở đây là quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. Tại sao hàng loạt cửa hàng bán lẻ xăng dầu lại kêu lỗ và ngừng bán khiến người dân hoang mang? Hay như trước đây Bộ Công thương liên tục công bố nguồn cung của hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn vẫn bảo đảm được khoảng 80% nguồn cung trong nước thì mới đây lại cũng cho rằng nguồn cung trong thời gian tới sẽ gặp khó? Các bộ, ngành phải đứng về phía người dân chứ không phải là kêu cho doanh nghiệp khi nói về việc tăng phí, điều hành giá”.

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế

“Vấn đề của thị trường xăng dầu là nguồn cung liệu có thiếu hay không. Trong khi người dân bảo thiếu trước hụt sau, nhiều cây xăng ở phía nam bảo thiếu, đứt gãy nguồn cung… song rất nhiều lần Bộ Công thương đều khẳng định là không thiếu, chưa bao giờ thiếu cả. Dẫn rất nhiều số liệu về tồn kho, nguồn sản xuất trong nước, nhưng qua các cuộc thị sát tại kho, không phải thị sát tại cây xăng đang treo biển hết hàng, cơ quan quản lý chưa có câu trả lời thỏa đáng vì sao nhiều cây xăng cứ bị đứt gãy nguồn cung trước mỗi kỳ điều chỉnh giá mới theo hướng tăng? Chúng tôi chú ý câu Bộ nói là nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại khó khăn. Tại sao? Đó là nút thắt và nếu giải được, bài toán xăng dầu mới có đáp án”, ông Lạng đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng không thể so sánh bất cứ giá hàng hóa nào với thế giới, đặc biệt là xăng dầu. Thứ nhất, giá xăng dầu tại Việt Nam từ trước đến nay đều phải nhập khẩu theo giá thế giới. Giá quốc tế tăng thì trong nước sẽ tăng hoặc ngược lại. Như vậy, làm sao giá xăng dầu trong nước thấp hơn thế giới? Bên cạnh đó, tỷ lệ thuế và phí trong xăng dầu ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới khi lên đến hơn 30%. Liệu có nước nào tỷ lệ thuế, phí cao như Việt Nam không? Như vậy lại càng không có chuyện giá xăng ở Việt Nam thấp nhất thế giới.

Khi so sánh giá cả hàng hóa thì có một nguyên tắc là phải đi đôi với thu nhập của người dân. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập bình quân 9 tháng năm 2022 ở Việt Nam là 6,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đây là mức thu nhập của những người có công ăn việc làm, chưa tính nông dân bình quân chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, ước tính thu nhập bình quân của người dân chỉ hơn 200 USD/người/tháng. Đã so sánh giá thì phải so sánh được với thu nhập của các nước. Chính vì vậy khi nói rằng giá xăng dầu tại Việt Nam thấp nhất thế giới là sự so sánh không toàn diện. Hơn nữa, không thể so sánh giá hàng hóa nào của Việt Nam với các nước khác khi chúng ta có cơ chế kinh tế khác biệt, nên khi so sánh càng cần phải có những nghiên cứu, số liệu tổng thể hơn, theo TS Bùi Trinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.