"Buôn làng mình đâu chỉ có cây cuốc"
Uck Bondong được nhiều bà con K'Ho Cill làm cà phê ở Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) biết đến. Họ truyền tai nhau về một người trẻ dám vượt qua định kiến truyền thống khi làm cà phê "đắt đỏ" từ chính hạt cà phê vối mà xưa nay người K'Ho phải bán rẻ như cho.
Lớn lên cùng những rẫy cà phê của buôn làng, Uck bộc bạch: "Thế hệ ông bà rồi cha mẹ Uck, cho đến Uck quanh năm chỉ biết tới cây cuốc làm vườn cà (cà phê). Ai làm nông dân cũng đều cay đắng sau mỗi mùa vụ. Lấy tiền trước, trả cà sau, hái non để đủ góp cho thương lái. Ký cà nhân xanh đôi khi chỉ còn vài ngàn đồng. Cuối cùng, cả mảnh vườn sau vụ thu hoạch vẫn tay trắng, chỉ còn lại cây cuốc trên đôi tay chai sạn".
Uck chọn con đường trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh để thoát nợ với cây cuốc bao đời của gia đình. Nhưng lựa chọn ấy là cánh cửa giúp anh ra đi và trở lại với vườn cà phê buôn làng một cách khác biệt. Bởi Uck sẽ chẳng bao giờ biết đến hạt cà phê đắt đỏ làm mưa gió bên ngoài buôn làng nếu không có cơ duyên đi học ở Singapore vào năm
2016 - 2017. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh ở Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, anh được một học bổng về hỗ trợ an sinh trong cộng đồng. Lần đầu tiên rời buôn làng, Uck đến một đất nước giàu có như Singapore, điều anh ngỡ ngàng nhất là cách mà những hạt cà phê vốn thân quen từ bé với Uck lại đắt đỏ đến thế.
Vào thời điểm kết thúc khóa học ngắn ở Singapore, Uck biết đến một trang web gọi vốn hỗ trợ người nông dân tại đảo quốc này. Anh liều gửi thư xin tài trợ cho rẫy cà phê nhà mình với câu chuyện ngắn gọn về sự bế tắc của những nông dân ở buôn làng, về ước mơ đưa cà phê K'Ho đi khắp nơi. Uck nhớ lại: "Thật may mắn là Quỹ kêu gọi vốn đã đăng lá thư của mình. Bất ngờ hơn, sau đó cộng đồng của Quỹ đã chung tay quyên góp và mình nhận được số tiền hơn 300 triệu đồng".
Có kinh phí, Uck bắt tay vào làm cà phê hảo hạng với việc xây nông trại bài bản. Những người K'Ho ở buôn làng chưa bao giờ biết đến cách làm lạ lùng ấy: hái từng trái cà phê khi đã chín đỏ, rồi vớt nổi, rửa sạch, sơ chế bằng men ủ, phơi trên giàn cao, trữ cà phê nhân trong kho chống ẩm…
Khi Uck làm cà phê, khó khăn nhất là rào cản của gia đình bởi cách làm của anh quá mới mẻ. Cha mẹ anh vốn kỳ vọng cho con ăn học, biết cầm cây bút thay cho cái cuốc để không phải bấp bênh với trái cà phê theo vụ. Nhưng khi thấy Uck quyết tâm, gia đình đã ủng hộ và cùng anh mở nông trại làm cà phê Robusta chất lượng cao. Nông trại nhỏ của Uck có tên "92 farm" với khoảng 3 ha cà phê Robusta, ở xã Ka Đơn (H.Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), nơi có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển.
"Thông thường cà Robusta trồng ở độ cao 500 - 800 m thôi. Nhưng với độ cao trên 1.000 m ở Ka Đơn, hạt cà Ro có những phẩm chất độc đáo mà không nơi nào có được như trái ngọt và mọng nước hơn, khí hậu mát mẻ tạo độ ẩm cao để thể chất trái cà sau thu hoạch được trọn vẹn nhất. Đó là động lực để mình lại đi tiếp, tìm đường đi cho cà phê buôn làng", Uck cho hay.
Làm cà phê chất lượng cao: Không vội được đâu !
Không dừng lại ở kiến thức trồng và sản xuất nhân xanh cà phê, Uck bỏ tiền đi học rang cà phê ở một trung tâm được ủy quyền đại diện cho Hiệp hội Cà phê đặc sản quốc tế (SCA) tại TP.HCM.
"Mình học được kiến thức về rang cà phê, pha chế theo tiêu chuẩn SCA nên cũng khá tự tin. Bao vốn liếng gom góp được lúc sản xuất cà nhân xanh mình dồn vào mở một quán cà phê ở Sài Gòn vào cuối năm 2020. Xui là trúng đợt dịch Covid-19 nên quán phải đóng cửa. Mất một số vốn lớn, thêm nhiều bài học lớn, mình nhận ra thế mạnh lớn nhất của bản thân là bám vào mảnh vườn và làm điều mình giỏi nhất: Sản xuất hạt cà phê chất lượng, không vội được đâu!", Uck tâm sự.
Đâu là cà phê đắt nhất thế giới ?
Có nhiều quan điểm khác nhau về loại cà phê đắt nhất thế giới. Trong đó, "cà phê chồn", "cà phê voi" ở châu Á được cho là đắt nhất thế giới khi có giá lên đến vài chục triệu đồng/kg trở lên. Nhưng giới chuyên gia cà phê lại có cách nhìn khác. Nhà báo - chuyên gia cà phê Asser Christensen của CQI cho hay: Chưa có đánh giá chính xác nào về chất lượng của cà phê từ động vật hoang dã. Cà phê được kiểm định dựa trên chất lượng từ chính hạt cà phê được sản xuất tự nhiên ở nông trại. Nó ngon hay không sẽ được đánh giá theo tiêu chuẩn SCA hoặc các cuộc thi cupping (thử nếm cà phê) uy tín trên toàn thế giới. Đừng ủng hộ và tin theo những "giá trị cổ điển" mà người ta có thể đang cố tình tạo ra để "lòe" bạn.
Hiện tại, Uck tập trung vào vườn "92 farm" của mình. Anh cũng gửi mẫu cà phê đi kiểm định chất lượng tại Phòng kiểm định Stone Village Buôn Ma Thuột (đại diện Viện Chất lượng cà phê (CQI) và SCA tại VN - PV). Chứng nhận cà phê Fine Ro (loại cà phê Robusta) của "92 farm" đạt 80/100 điểm, đủ tiêu chuẩn cà phê đặc sản của SCA giúp Uck tự tin hơn và có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu. Trong năm nay, Uck xuất 500 kg đi Nhật Bản và anh cũng đang hợp tác với một chuỗi gồm 5 xe cà phê bán mang đi tại TP.HCM. Trước đó, anh phải từ chối đơn hàng 6 tấn Fine Ro đi Malaysia vì cảm thấy chưa tự tin làm đủ số lượng đó. "Mình muốn đi chậm và chắc sau những thất bại đã qua", Uck nhấn mạnh.
Một bước đi quan trọng khác của Uck là quyết định đi học tại Trường D'CodeS Coffee Lab & Campus VN, đơn vị được SCA chứng nhận là Trường đào tạo chuyên sâu về cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế. "Dù chưa làm được đơn hàng lớn trong năm nay nhưng mình ấp ủ việc mở rộng việc thu mua nhân xanh chất lượng cao để dần ổn định nguồn cung cho xuất khẩu", Uck nói.
Ông Nguyễn Văn Hòa, đại diện Phòng kiểm định Stone Village - đơn vị kiểm định chất lượng cà phê tại Buôn Ma Thuột, cho biết đơn vị này hiện được CQI chứng nhận. Mỗi mẫu cà phê gửi tới đây kiểm định sẽ có chi phí khoảng gần 2 triệu đồng/mẫu. Việc kiểm định sẽ được thực hiện tại phòng lab đạt tiêu chuẩn CQI của Stone Village và thời hạn 1 năm.
(còn tiếp)
Bình luận (0)