Giấc mơ đổi đời của nhà vô địch đua thuyền 16 tuổi dân tộc Sán Dìu

25/11/2015 14:12 GMT+7

Nhà vô địch SEA Games 28 và giải đua thuyền châu Á 2015 Trương Thị Phương là một cô bé dân tộc Sán Dìu 16 tuổi, lớn lên ở miền núi tỉnh Vĩnh Phúc...

Nhà vô địch SEA Games 28 và giải đua thuyền châu Á 2015 Trương Thị Phương là một cô bé dân tộc Sán Dìu 16 tuổi, lớn lên ở miền núi tỉnh Vĩnh Phúc...

tuoi-16-cua-nha-vo-dich-dua-thuyen-Canoeing-Truong-Thi-PhuongTrương Thị Phương, hồn nhiên tuổi 16 - Ảnh: Lê Nam
Trương Thị Phương, sinh năm 1999, VĐV nhỏ tuổi nhất đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 28, cũng là VĐV nhỏ tuổi nhất ở giải đua thuyền vô địch châu Á. Đâu là chìa khóa để cô bé chỉ mới đến với đua thuyền 3 năm làm được như vậy?
Con đường vào nhà Trương Thị Phương gập ghềnh đầy những ổ trâu, ổ gà, nhiều đoạn chiếc honda đành chỉ cài số 2 và bập bõm đi. Thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc dân cư thưa vắng. Trên một quả đồi lúp xúp, căn nhà nho nhỏ của VĐV bơi thuyền nằm giữa một vườn cây ăn trái xanh um.
Phương đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện khi em vừa tranh thủ về thăm nhà, sau giải vô địch đua thuyền quốc gia, diễn ra tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
tuoi-16-cua-nha-vo-dich-dua-thuyen-Canoeing-Truong-Thi-PhuongCăn nhà nhỏ của VĐV ở thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Lê Nam
* Chào Phương, em được thêm mấy HCV nữa ở Hải Phòng?
Trương Thị Phương: Em giành thêm 2 HCV, 3 HCB.
* Vậy là một năm bội thu quá. Hôm nhận HCV ở Indonesia ở giải vô địch châu Á, em có khóc không?
Trương Thị Phương: Đó là một kỷ niệm đáng nhớ chị ạ. Trước hôm thi, trại của Việt Nam ở một bên, trại của Uzbekistan một bên. Em gặp bạn VĐV có 15 tuổi mà to cao sừng sững, em đứng cạnh như tí hon với khổng lồ vậy. Ai ngờ hôm sau em đụng mặt bạn ấy lúc thi luôn. Bạn ấy được toàn vàng là vàng, cả HCV giải châu Á và giải trẻ. Trong khi giải trẻ châu Á, em chỉ giành bạc thôi.
* Giờ thì em có khoảng bao nhiêu huy chương ở nhà?
Trương Thị Phương: Khoảng 30 cái ạ.
tuoi-16-cua-nha-vo-dich-dua-thuyen-Canoeing-Truong-Thi-PhuongNhững tấm huy chương được treo trong nhà của Trương Thị Phương - Ảnh: Lê Nam
* Tấm huy chương nào có nhiều kỷ niệm nhất?
Trương Thị Phương: Chắc là HCV SEA Games 28. Em không bao giờ nghĩ mình được huy chương, các thầy cũng không đặt nhiều áp lực. Về đích rồi, chiếc thuyền của em còn bị lật úp, em mệt quá nên không thể nhảy lên thuyền, đành đứng ở dưới nước, bám vào thuyền chờ cứu hộ đến. Nhưng cứu hộ mãi lâu sau mới đến, em cũng sợ và hình như là khóc nữa.
* Vì sao em chọn đua thuyền vậy?
Trương Thị Phương: Cuối năm 2012, các thầy ở Trung tâm đào tạo VĐV, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Vĩnh Phúc đến lớp em tìm những VĐV cho các môn võ, cử tạ, bơi thuyền, em thích nên đăng ký. Sau đó các thầy có về hỏi ý kiến bố mẹ em. Em thì thích tập võ mà mẹ em bảo: “Con gái con đứa, võ vẽ gì, rồi đụng ai cũng đánh nhau thì chết à”. Thế là em chọn đua thuyền. Hồi đấy có biết gì đâu, bơi còn không biết. Mấy tháng đầu vào em chỉ toàn tập bơi, rồi tập đứng vững trên thuyền, 1 tháng thì biết bơi, nhưng cái khoản đứng vững trên thuyền thì lâu hơn. Hồi mới tập cứ ngã xuống nước xoành xoạch (cười).

[VIDEO]: THĂM NHÀ CỦA TRƯƠNG THỊ PHƯƠNG
- Thực hiện: Lê Nam
* Tập đua thuyền chắc rất cực?
Trương Thị Phương: Quanh năm ngày tháng gắn bó với sông với hồ ạ. Nắng cũng như mưa, chỉ trừ có ngày mưa lớn quá thì được nghỉ ở trong nhà thôi. Trung bình mỗi ngày em tập 8 tiếng, có những ngày tập thể lực bằng tập tạ, tập chạy chứ không phải ngày nào cũng bơi thuyền. Có những hôm đang tập ở sông Giá, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng thì bất ngờ có dông lốc, sợ hết hồn, các thầy cho nghỉ khẩn cấp. Quanh năm sương gió nên chị nhìn da em này, da bánh mật đúng không. Mà em không dùng kem dưỡng da, chống nắng gì đâu, cứ kệ thôi ạ.
* Em có bị chấn thương nào không?
Trương Thị Phương: Em bị đau lưng chị ạ. Sắp tới em phải vào Bệnh viện Thể thao hoặc Trung tâm huấn luyện thể thao trên Nhổn để phục hồi chức năng. Em cũng không nhớ mấy lần mình từng vào bệnh viện thể thao nữa, nhiều lắm. À, con gái tập thể thao, lại bơi thuyền như em dáng người không cân đối đâu. Tay to, chân nhỏ.
tuoi-16-cua-nha-vo-dich-dua-thuyen-Canoeing-Truong-Thi-PhuongTrương Thị Phương đến với đua thuyền năm 2012 và đến nay đã giành hơn 30 huy chương trong nước, SEA Games, châu Á - Ảnh: Lê Nam
* Có lúc nào em buồn, em không muốn làm VĐV nữa không?
Trương Thị Phương: Không chị ơi. Mấy năm trước hồi mới là VĐV, em còn khóc nhè và muốn về. Nhưng lâu dần, em thấy ở đây điều kiện rất tốt, em được thi đấu, được thành tích, được đi nhiều nơi. Em thấy mình sống tự lập cũng sớm trưởng thành. Em được đi Hungary, đi Ý, Indonesia, cả Singapore rồi nhé, hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa ở quê. Ở quê em con gái lấy chồng sớm lắm, nếu không học đại học, cứ tốt nghiệp cấp 3 là lấy chồng sinh con rồi. 24, 25 tuổi ở đây mà chưa có chồng bị coi là ế đấy (cười lớn).
* Nếu không theo VĐV, em sẽ học đại học chứ?
Trương Thị Phương: Em có, em sẽ cố gắng để thi đỗ đại học. Nhà em toàn vườn ruộng thôi. Làm ruộng vất vả lắm. Nhà em có mỗi 2 sào ruộng. Nhà em trồng lúa, hết vụ thì mượn thêm đất trồng rau su hào, bắp cải. Mẹ em nuôi thêm bò, lợn, gà. Rảnh thì bố mẹ đi làm thêm bên ngoài. Ngày xưa, hồi còn đi học ấy, ngoài giờ học em với anh trai giúp bố mẹ đi chăn bò. Giờ thì anh trai em cũng đang học đại học rồi.
* Bố mẹ em động viên em thế nào?
Trương Thị Phương: Bố mẹ bảo em thích đua thuyền rồi thì cứ cố gắng. Bố mẹ gửi gắm em cho các HLV, thi thoảng mẹ gọi điện cho em hỏi thăm và nhắc em nghe lời các thầy, chịu khó tập luyện. À, mẹ còn nhắc đi nhắc lại, không có yêu đương gì hết, bây giờ còn nhỏ tuổi phải học hành chăm chỉ. Yêu mà xa quá thì mẹ cũng không cho lấy đâu mà yêu. Mà em cũng chưa có thích ai đâu, xung quanh toàn là bạn bè không thôi.
tuoi-16-cua-nha-vo-dich-dua-thuyen-Canoeing-Truong-Thi-PhuongNgõ nhỏ vào nhà Trương Thị Phương - Ảnh: Lê Nam
* Phương có biết nấu ăn không, có tài lẻ gì không nhỉ?
Trương Thị Phương: Em không (cười lớn). Trước em nấu tàm tạm, bố mẹ ăn được, cả nhà ăn được, là thành công rồi. Giờ em đi xa nhà, toàn ăn cơm tập thể, quên hết việc bếp núc rồi.
* Em có ước mơ gì trong tương lai?
Em cũng chưa biết nữa. Em chỉ biết đua thuyền. Sáng tập, chiều tập. Em sẽ theo đua thuyền đến khi nào không thể theo đuổi bộ môn này nữa thì thôi.
"Tôi khóc tu tu khi nhìn con nhận HCV"
tuoi-16-cua-nha-vo-dich-dua-thuyen-Canoeing-Truong-Thi-PhuongBà Phó Thị Hai, mẹ của Trương Thị Phương - Ảnh: Lê Nam
Bà Phó Thị Hai, mẹ của Trương Thị Phương kể lại với Thanh Niên: “Hôm đó là tháng 6.2015, bản tin thể thao trong chương trình thời sự, đưa tin cái Phương nhận HCV SEA Games. Tôi đã biết tin gì về con được giải gì đâu, trước khi con đi nước ngoài đã gửi gắm cho thầy nó rồi. Thấy trên ti vi, đúng cái Phương nhà mình, khoác lá cờ đỏ sao vai trên lưng, cổ đeo huy chương, tôi cứ thế khóc tu tu. Bao nhiêu bà con hàng xóm đang ở nhà tôi chúc mừng, họ thì cười toe toét, tôi thì khóc, hâm không cơ chứ".
"Cái Phương là niềm tự hào của nhà tôi và cả xã. Cứ thấy ô tô đi vào ngõ là mọi người bảo: “A, chị Phương lại có giải thưởng gì rồi”, thế là trẻ con người lớn kéo đến khắp nhà, đông vui lắm".
Dân tộc Sán Dìu
Sán Dìu là một dân tộc ít người sinh sống ở miền trung du của một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Các tên gọi khác: Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán quần cộc, Mán váy xẻ.
Dân tộc Sán Dìu chủ yếu sống ở miền trung du các tỉnh Thái Nguyên,Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Dương (tổng cộng khoảng 97%). Một số di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp, thành các làng hay sống rải rác tại các tỉnh thành khác.

Người Sán Dìu chủ yếu làm ruộng nước, có phần n­ương, soi, bãi. Thêm vào đó, còn có chăn nuôi, khai thác lâm sản, đánh bắt nuôi thả cá, làm gạch ngói, rèn, đan lát... Từ lâu đời, người Sán Dìu đã sáng tạo ra chiếc xe quệt (không cần bánh lăn) dùng trâu kéo để làm phư­ơng tiện vận chuyển. Hình thức gánh trên vai hầu như­ chỉ dùng cho việc đi chợ. Hàng ngày người Sán Dìu dùng cả cơm cả cháo, đồ giải khát thông thường cũng là nước cháo loãng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.