Theo trang Business Insider, rất nhiều bài báo đã viết về cách thức và lý do sự kiện này xảy ra. Tuy nhiên hiện có một yếu tố chưa được thảo luận nhiều là thị trường nhà ở. Nhà kinh tế trưởng Markus Schomer của PineBridge Investments cho rằng nhiều tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng hóa các vấn đề kinh tế. Điều này tác động đến kết quả bầu cử.
“Lý do ông Trump thắng là vì một phần nước Mỹ, nơi mà một số lợi ích có được từ nền kinh tế của ông Barack Obama chưa được cảm nhận đủ. Chúng tôi thấy rất nhiều công việc ngành sản xuất ra đi và không có công ăn việc làm mới nào được tạo ra”, ông Schomer nói.
Có một sự bất bình đẳng giữa những việc làm mất đi tại những trung tâm sản xuất cũ như bang Ohio, Pennsylvania, Michigan và việc làm mới tạo ra tại những nơi như bang California. Sự bất bình đẳng này sau đó trầm trọng hơn vì vấn đề kéo dài trong thị trường nhà đất.
“Trước cuộc khủng hoảng tài chính, nhà ở luôn là tài sản rất có tính thanh khoản. Nếu bạn mất việc ở bang Ohio, bạn có thể bán nhà và di chuyển đến bang California vì đó là nơi có công ăn việc làm. Vì khủng hoảng nhà ở nên nhiều người đã và đang ngập trong khoản thế chấp và họ không thể làm vậy”, ông Schomer nói.
“Trong sáu năm qua, tính di động điển hình mà chúng ta từng có ở Mỹ, chuyện người dân có thể dời chỗ ở đến những nơi có việc làm, đã mất đi. Cùng lúc, các công việc được tạo ra không phải là loại công việc mà tất cả mọi người đều có thể làm. Những người mất việc trong ngành công nghiệp này không còn có thể dễ dàng chuyển sang ngành công nghiệp khác. Có một yếu tố mang tính chu kỳ là câu chuyện nhà ở và yếu tố cấu trúc là các bộ kỹ năng làm việc không dễ dàng được chuyển đổi nữa”, chuyên gia Schomer cho biết thêm.
Theo báo cáo mà Liberty Street Economics công bố hồi tháng 10, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, những người từ 25 đến 59 tuổi, di chuyển sang bang khác trong một năm ở mức 1,5% năm 2010, giảm từ mức 3% hồi thập niên 1980.
“Ý tưởng của việc di chuyển giữa các bang vì công việc được dệt vào Giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, hình ảnh Mỹ là một đất nước của tính di động đã thay đổi đáng kể trong những thập niên gần đây”, báo cáo trên viết. Những người thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ giờ cũng ít tin rằng nhà ở của họ có tăng giá.
Theo chuyên gia Schomer, không có chính sách nào đề cập đến các rạn nứt theo chu kỳ và cấu trúc này dưới thời ông Barack Obama làm tổng thống Mỹ.
“Có một điều thiếu sót trong chính quyền này là không có chính sách để giải quyết sự thiếu hụt việc làm tại những nơi như bang Pennsylvania và Ohio. Có lẽ có chính quyền liên bang nào đó làm thế, nhưng chính phủ liên bang chưa từng phát triển chiến lược giải quyết điều này”, ông Schomer nhận định.
tin liên quan
Khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ ngày càng lớn(TNO) “Giấc mơ Mỹ” ngày càng xa xỉ với nhiều người trong bối cảnh hiện nay, người Mỹ ngày càng bị chia tách bởi tầng lớp, theo Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bình luận (0)