Giấc mơ tiến sĩ của lão nông 74 tuổi

Hiền Lương
Hiền Lương
25/02/2021 06:00 GMT+7

Ở TX.Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), có lão nông đã nhận bằng thạc sĩ luật chính quy khi tròn 70 tuổi. Ấy vậy mà bước qua tuổi 74, ông vẫn quyết chinh phục nấc thang tiến sĩ.

Đến vùng đất kinh tế mới dưới chân núi Tân Quang, xã Ninh Quang, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa), hỏi nhà “ông Tuyển chủ nhiệm” thì ai cũng biết. Có lẽ người ta biết ông Tuyển không chỉ vì ông có thâm niên 25 năm làm chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) mà còn biết ông như một tấm gương hiếu học mà mọi đứa trẻ ở vùng quê này đều noi theo.

Xuyên đêm học cấp 2 ở tuổi 28

Ông Lương Tuyển, tuổi Đinh Hợi (1947), nay đã 74 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xã Ninh Quang. Nhà có 3 anh em nhưng cha mẹ mất sớm, phải nương nhờ ông bà ngoại từ lúc ông mới lên 6. Cũng vì khó khăn nên học đến lớp 5, ông phải nghỉ học để cùng ngoại mưu sinh. Sau khi đất nước thống nhất, ông lập gia đình và chuyển lên vùng kinh tế mới, cách nơi cũ hơn 5 km. Làm quần quật quanh năm nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó. Ông nhận ra rằng, thất học chính là thủ phạm của đói nghèo.

Tôi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ luật còn có lý do khác. Tôi dành nó cho vợ, vì bà xứng đáng sau bao khổ cực!

Ông Lương Tuyển

Năm 28 tuổi, khi các cán bộ trong thôn, xã được cử đi học bổ túc văn hóa, ông cũng “đu” theo. Ông Tuyển nhớ lại, hồi mới đi học bổ túc lớp 6, ai cũng ngạc nhiên vì cho rằng ông học để làm gì khi nghề chính là làm ruộng, con cái nheo nhóc, không đủ ăn. Không những vậy, ông Tuyển không có suất đi học chính thức từ đầu bởi không phải diện ưu tiên, nên ông luôn trong vai “học viên dự thính”. “May là một số cán bộ thấy cực quá, nghỉ học giữa chừng nên tôi năn nỉ mãi mới được điền vào “chỗ trống” ấy. Vậy là từ đó, tôi có động lực hơn để theo con chữ”, ông Tuyển bộc bạch.
Năm 1988, ông Tuyển tốt nghiệp THPT hệ 10 năm, lúc đó đã 35 tuổi vì việc học có lúc gián đoạn. Cầm được tấm bằng phổ thông, ông Tuyển tiếp tục xin đi học tại Trường trung cấp ngành chăn nuôi thú y ở tỉnh Phú Yên, cách xa nhà hơn 100 km.
Bà Trần Thị Sương (69 tuổi, vợ ông Tuyển) tiết lộ, đấy là thời điểm khó khăn nhất của gia đình vì ông phải đi học xa nhà trong khi con đứa vừa biết đi, đứa mới biết bò, vô cùng nheo nhóc. Bà Sương bấm bụng chịu khổ, xiêu theo nỗi khát chữ của chồng. Vùng kinh tế mới Tân Quang những năm ấy, hình ảnh người đàn bà gầy guộc chiều nào cũng kẽo kẹt trên vai gánh đậu hũ, tối nấu rượu lấy hèm nuôi heo đã quá đỗi quen thuộc với mọi người.
Nhìn lên tấm ảnh chụp cách đây hơn 30 năm, bà Sương đưa ra phép so sánh làm chúng tôi chạnh lòng: “Nay tôi 69 tuổi nhưng nhìn vẫn thấy trẻ hơn ngày ấy đó các anh!”.

Ông Tuyển khoe bằng thạc sĩ luật với khách

Thạc sĩ U.70

Năm 1992, sau 3 năm 8 tháng, ông Tuyển tốt nghiệp trường trung cấp. Thời đi học khó khăn, thương vợ vất vả vì mình, ông Tuyển ăn uống kham khổ, nên sau ngày nhận được tấm bằng cũng là lúc ông vào viện điều trị bệnh lao phổi mà ông cố nén bấy lâu. Rất may, bạo bệnh cũng nhanh chóng qua đi. Có kiến thức, ông áp dụng vào lao động sản xuất, nên đời sống kinh tế gia đình nhanh chóng đi lên. Ông được dân tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Ninh Quang 1 (gồm 4 thôn) từ đó cho đến nay. HTX có hơn 2.000 xã viên, nhưng trong giai đoạn ông Tuyển đứng đầu luôn hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Nhiệm kỳ vừa rồi, khi đã làm chủ nhiệm hơn 20 năm, ông Tuyển xin nghỉ nhưng bà con quyết bầu, kết quả trúng với số phiếu gần như tuyệt đối. Thấy dân tin mình, ông gắng thêm nhiệm kỳ nữa dù năm nay đã 74 tuổi.
Với nghị lực đó, ông Tuyển muốn chứng minh rằng, học chữ là con đường bền vững nhất để thoát nghèo, bắt nhịp với cuộc sống đương đại. Với ông, học đi đôi với hành đã được hiện thực cùng lúc. Là chủ nhiệm HTX, 25 năm qua, ông sử dụng kiến thức đã học hỗ trợ không nhỏ cho bà con xã viên. Vợ chồng ông có được một cơ ngơi với diện tích khoảng 10 ha trồng lúa, bưởi, măng... Chỉ riêng trồng lúa mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Năm nay, vườn bưởi 600 gốc bắt đầu cho trái, hứa hẹn một nguồn thu nhập không nhỏ. Niềm vui trọn vẹn hơn khi 4 người con của vợ chồng ông Tuyển đều được ăn học đến nơi đến chốn, nghề nghiệp ổn định.
Ông Tuyển là người tiên phong áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, tỉ mỉ hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống dân Tân Quang nhờ vậy mà khấm khá, có của ăn của để. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp ngày nay không chỉ đòi hỏi mỗi khoa học kỹ thuật, mà còn cả kiến thức về kinh tế thị trường. Trước yêu cầu đó, dù ở cái tuổi 50, ông Tuyển tiếp tục đăng ký học ngành quản trị kinh doanh (Trường đại học Mở bán công TP.HCM). Đến năm 54 tuổi, ông Tuyển lấy bằng cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh. Sau đó ít năm, nhận thấy kiến thức về luật của người đứng đầu HTX còn thiếu, nhất là trong ký kết làm ăn với đối tác, ông tiếp tục đăng ký học cử nhân luật văn bằng 2 tại Trường đại học Luật TP.HCM. Thời gian này ông phải vào TP.HCM để học, mọi chuyện kinh tế ở nhà, ông hướng dẫn vợ và các con từ xa. Đến khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông đã 63 tuổi.
Bước ngoặt lớn nhất của đời ông là dù có 2 tấm bằng đại học trong tay, nhưng ông quyết định tiếp tục học cao học để có bằng thạc sĩ.
Ông Tuyển bộc bạch: “Khi thi tuyển đầu vào thạc sĩ khó khăn lắm, nhiều người rớt nhưng số phận cho tôi đậu. Thế là lại đèn sách hơn 3 năm để học thạc sĩ. Người ta học 2 năm mà tôi phải 3 năm vì nhiều chứng chỉ khó so với tuổi già của tôi nên đôi khi phải cách quãng. Hơn thế, có năm mùa màng gia đình và HTX không xuôi chèo mát mái, tôi phải về để vực lên lại”.
Năm 2017, trên bục vinh danh những thạc sĩ ngành luật tốt nghiệp, có một ông lão 70 tuổi lấy bằng thạc sĩ luật chính quy, đứng bên những người chưa đầy 30 tuổi. “Ngày tốt nghiệp, đích thân hiệu trưởng nhà trường đến tôn vinh, tổ chức lễ cho cả khóa. Sau khi nhận bằng, gần nửa lớp vượt hàng trăm cây số ra thăm nhà tôi. Tôi rất vui vì lớp chả có ai gọi tôi là bạn, mà chỉ gọi bố hay chú. Với tôi, sự học chưa bao giờ muộn!”, ông Tuyển xúc động.

Học chưa bao giờ là muộn !

Với những gì có được sau một đời học tập và lao động, ai cũng nghĩ đã là quá đủ với một ông già đã vượt ngưỡng “cổ lai hy”. Nhưng không, ông vẫn muốn chinh phục nấc thang tiến sĩ để chứng minh câu nói học chưa bao giờ là muộn.
Để hiện thực điều đó, ông đang ngày đêm tự học Anh văn qua internet. Khi được hỏi, ở tuổi như ông, nhiều người thường học trước quên sau, vậy phương pháp nào giúp ông lấy bằng thạc sĩ và ấp ủ tiến sĩ, ông Tuyển tâm tình, lớp trẻ học 1 tiếng là thuộc thì mình già, mình học 2, thậm chí 3 tiếng. Muốn học thì không chỉ biết sắp xếp thời gian học một cách khoa học mà phải hết sức kiên trì. Học mãi thì cũng nhớ. Để khắc phục học trước quên sau, ông Tuyển luôn ấn định thời gian học tập vào giờ cố định để não có phản xạ tự nhiên nhằm nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức.
Trước khi chia tay, lão nông thạc sĩ ghé vai tôi thì thầm: “Tôi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ luật còn có lý do khác. Tôi dành nó cho vợ, vì bà xứng đáng sau bao khổ cực!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.