Giấc mơ trà hoa vàng

24/06/2022 09:12 GMT+7

,

Hơn 12 năm trước, Lê An Na (42 tuổi) đang là lãnh đạo cấp phòng ở một đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính tại Hà Nội, nhưng vì đam mê, muốn bảo tồn loài dược liệu quý của Việt Nam mà chị từ bỏ công việc này để dành toàn bộ thời gian theo “giấc mộng” trà hoa vàng.

An Na cho biết, năm 2010, được nghe kể chuyện và tìm hiểu, chị biết trà hoa vàng là cây thuốc nam họ chè đã được người Pháp tìm thấy từ lâu tại Việt Nam. Biết được Việt Nam và Trung Quốc là 2 vùng duy nhất trên thế giới có trà hoa vàng, trong đó Việt Nam chiếm số loài nhiều nhất, nhưng lại chưa có nhiều người biết đến. “Trân trọng trà hoa vàng là món quà thiên nhiên ban tặng trên đất Việt, vậy nên khi nghe loài cây này bị mất dần trong tự nhiên tôi cảm thấy xót xa và mong ước bảo tồn, phát triển cho sức khỏe cộng đồng. An Na chia sẻ.

Lê An Na trong vườn trà hoa vàng

Gia Bình

Ban đầu An Na tìm mua được 1 cây đầu tiên ở Yên Bái, rồi đưa vào Đà Lạt nhờ nhân giống nhưng gần 1 năm không thành công, sau đó chị kiên trì và nhờ bác nông dân giúp đỡ nhân giống bằng giâm hom thành công. Từ đó, chị tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm các loài trà hoa vàng đồng thời cũng tìm mua đất lập vườn bảo tồn và nông trường có tên Kim Hoa Trà, rộng 7 ha, ở độ cao 1.100 m tại xã Mê Linh (H.Lâm Hà, Lâm Đồng) cách trung tâm TP.Đà Lạt 22 km ra đời (năm 2011). “Nơi trồng trà hoa vàng, ngoài độ cao, khí hậu, còn phải phân tích mẫu đất, mẫu nước, đảm bảo không có các chất kim loại nặng mới trồng được”, An Na nói.

An Na cho hay: “Trong hơn 10 năm qua, tôi đã sưu tầm và nhân giống, bảo tồn thành công 44 loài trà hoa vàng - đã được các nhà khoa học ở Trường đại học Đà Lạt định danh, trong đó có nhiều loài có tên trong “Sách đỏ” Việt Nam và thế giới. Nông trường giờ có khoảng 50.000 cây trà hoa vàng các loại, trong đó có một nửa là cây trà hoa vàng Thạch Châu - loài cây bản địa (cây đại mộc sống nhiều năm, cao từ 8 - 17 m) quý nhất, chất lượng tốt nhất”, An Na “khoe”.

“Khoảng cuối năm 2011, tôi tìm thấy Thạch Châu ở khu rừng thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tất cả các cây sưu tập được, chúng tôi tạo ra quy trình nhân giống, trồng và so sánh sơ bộ các hoạt chất giữa các loài, Thạch Châu là loài chè ưu việt nhất”, An Na cho biết.

Theo An Na, y học đã chứng minh, trà hoa vàng (sử dụng được cả hoa lẫn lá) có tác dụng chống ô xy hóa, bảo vệ tế bào gan, chống viêm, chống lão hóa, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, tăng cường miễn dịch, phòng chống các bệnh về tim mạch, ung thư... “Tôi luôn mong ước Việt Nam có công viên trà hoa vàng với hàng trăm loài hoa trà đua nhau khoe sắc. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ không còn, nhưng ước mong những cây trà Việt Nam tuổi thọ hàng trăm năm được sống và có ý nghĩa cho cộng đồng, thế giới sẽ biết đến nhiều hơn, nhất là với cây Thạch Châu”, An Na thổ lộ.

Nhà thực vật học Lương Văn Dũng (Trường đại học Đà Lạt), cho biết: “Với cây Thạch Châu thì An Na là người đầu tiên ở Việt Nam nhân giống thành công và chứng minh được giá trị của cây là uống được và có nhiều tác dụng, điều này từ xưa đến giờ chưa ai biết.”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.