Giải Akutagawa gây tranh cãi sau chiến thắng của tác phẩm sử dụng ChatGPT

Tuấn Duy
Tuấn Duy
22/01/2024 14:06 GMT+7

Nữ nhà văn 33 tuổi Rie Kudan trở thành chủ nhân mới của giải Akutagawa danh giá cho cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ‘Tokyo-to Dojo-to’ (tạm dịch: ‘Tháp cảm thông Tokyo’), xoay quanh một tòa tháp là chuỗi nhà tù cao tầng ở thủ đô Nhật Bản.

Trong buổi trao giải Akutagawa, Ủy ban xét duyệt đã gọi cuốn tiểu thuyết này là “gần như hoàn hảo”. Tuy nhiên, trong bài phát biểu nhận giải, Rie Kudan đã tiết lộ rằng một phần cuốn sách đã được viết bởi ChatGPT.

Tác giả Rie Kudan, người đoạt giải Akutagawa lần thứ 170, và tác phẩm chiến thắng. Ảnh CNN

Tác giả Rie Kudan, người đoạt giải Akutagawa lần thứ 170, và tác phẩm chiến thắng

CNN

Theo tờ The Japan Times, Kudan đã chia sẻ: “Đây là một cuốn tiểu thuyết được viết bằng cách sử dụng tối đa AI tạo sinh như ChatGPT, và có lẽ khoảng 5% của văn bản được viết trực tiếp bởi công cụ này”.

Nhà văn cho biết trong cuộc sống cá nhân, cô thường giao tiếp với ChatGPT về những vấn đề mà bản thân cảm thấy không thể thảo luận được với người khác.

Nói về sự kết hợp này, cô cho rằng: “Tôi muốn cộng tác với trí tuệ nhân tạo để thể hiện sự sáng tạo của mình, và khi AI không phản hồi được những gì mà tôi mong đợi, đôi khi tôi sẽ phản ánh cảm xúc của mình qua lời thoại của nhân vật chính”.

Nhà văn Keiichiro Hirano, thành viên của Ủy ban giải thưởng Akutagawa năm nay, chia sẻ trên mạng xã hội X rằng ông và Ủy ban tuyển chọn không coi việc sử dụng AI của Kudan là một vấn đề gây tranh cãi.

Theo ông: “Có vẻ như tác phẩm đoạt giải của Rie Kudan được viết bằng AI tạo sinh đã bị hiểu nhầm… Nếu bạn đọc nó, bạn sẽ thấy việc sử dụng AI đã được đề cập bên trong tác phẩm, bởi lẽ cuốn sách có đề cập đến công cụ này. Chắc chắn là hướng đi này sẽ có vấn đề trong tương lai, nhưng trường hợp của cuốn sách này thì không như thế”.

Giải Akutagawa bắt đầu trao giải từ năm 1935 và là giải thưởng văn học hàng đầu Nhật Bản, lấy tên dựa theo bậc thầy viết truyện ngắn nổi tiếng người Nhật. Nó được trao 6 tháng một lần cho các nhà văn mới. Trong những năm gần đây, giải thưởng này đã đa dạng hóa đối tượng chiến thắng.

Những tác giả, tác phẩm đã chiến thắng giải Akutagawa 2004, 2016, 2019 và 2020. Ảnh TD tổng hợp

Những tác giả, tác phẩm đã chiến thắng giải Akutagawa 2004, 2016, 2019 và 2020

T.D tổng hợp

Năm 2022, danh sách rút gọn đều là các nhà văn nữ. Năm ngoái, Saou Ichikawa đã trở thành cây bút đầu tiên bị khuyết tật thể chất dạng nặng giành được chiến thắng. Như vậy năm nay đánh dấu lần đầu trí tuệ nhân tạo được ghi nhận góp công vào chiến thắng của một tác giả.

Sau khi giải thưởng công bố đã tạo ra nhiều làn sóng trái chiều. Theo đó, nhiều người cho rằng giải thưởng đã không công bằng, và việc làm của nữ nhà văn cũng chẳng khác gì hành động đạo văn.

Một bình luận nói: “Nếu các tác phẩm có 5% do AI tạo ra được chấp nhận ở giải thưởng này, thì từ bây giờ trở đi, khi AI phát triển hơn nữa, điều đó có nghĩa là một tác phẩm do mỗi AI tạo ra cũng được chấp thuận? Trong trường hợp đó, nó sẽ không còn là cuộc cạnh tranh giữa con người nữa mà là cuộc chiến giữa các AI. Liệu điều đó có ổn không khi AI bị cấm trong các trận đấu cờ vua và cờ vây gần đây?”

Một tài khoản khác viết: “Có vẻ như doanh số bán hàng giờ là tất cả”. Một ý kiến châm biếm khác cũng được nhiều người đồng tình: “Chúng ta có cần giải thưởng AI Akutagawa không?”.

Đối mặt với phản ứng này, tính cho đến nay, nhà xuất bản Shinchosha, tác giả Rie Kudan và Ủy ban giải thưởng Akutagawa vẫn chưa đưa ra bình luận cụ thể nào.

Dù vậy Kudan không phải là nghệ sĩ đầu tiên gây ra tranh cãi khi sử dụng AI. Năm ngoái, nhiếp ảnh gia đến từ Berlin, Boris Eldagsen đã rút khỏi giải thưởng Nhiếp ảnh thế giới của Sony sau khi tiết lộ tác phẩm đoạt giải của anh ở hạng mục ảnh sáng tạo được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.