Giải bài toán than cho điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
07/04/2022 07:13 GMT+7

Giá than nhập khẩu tăng vọt, các nhà máy nhiệt điện thiếu than để sản xuất điện. Làm thế nào để giải bài toán than trong sản xuất điện là vấn đề được đặt ra hiện nay.

Giá than nhập khẩu tăng gấp 2,7 lần

Cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, than nhập khẩu đến giữa tháng 3 giá bình quân 228,5 USD/tấn (tăng gấp 2,7 lần) so với cùng kỳ năm ngoái là 84,5 USD/tấn. Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.3, cả nước nhập khẩu gần 5,1 triệu tấn than, tổng kim ngạch hơn 1,164 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng than nhập khẩu giảm khoảng 1,8 triệu tấn, nhưng kim ngạch tăng gần 100%. Rõ ràng giá than nhập khẩu tăng cao và lượng nhập khẩu giảm đang gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất điện trong nước.

GS-TS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, cho rằng tuy ngành điện mới cảnh báo thiếu điện chỉ xảy ra trong cục bộ, chủ yếu ở miền Bắc do than không cung ứng đủ để sản xuất điện và nguy cơ thiếu, đặc biệt trong những tháng mùa khô cao điểm, song đây là vấn đề lớn ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội trên diện rộng. Vì thế, cả hai ngành điện và than phải giải quyết cho được vấn đề này. Ví dụ, có thể tăng cường sản xuất than nội địa, dùng kỹ thuật phối trộn với than trấu để tăng nguồn cung than từ trong nước, giảm phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, kịp cung ứng đủ lượng cho các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, tăng tốc tìm nguồn cung từ các quốc gia có trữ lượng than giá rẻ dành cho nhiệt điện lớn như Úc, Indonesia…. Hợp đồng mua than phải đặt các điều kiện dài hạn.

Giá than nhập khẩu bình quân tăng mạnh khiến các nhà máy nhiệt điện thiếu than trầm trọng

LÃ NGHĨA HIẾU

Trước đó, đầu tháng 4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra cảnh báo sẽ thiếu điện từ tháng 4 này, đặc biệt ở phía Bắc. Lý do, ngành điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn bởi thiếu hụt lượng lớn nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy than của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, thiếu 1,36 tấn. Tính chung cho toàn thị trường, trong quý đầu năm, lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 8,5 triệu tấn. Trong khi đó, các nhà máy đăng ký lấy gần 9,74 triệu tấn. Than thiếu trầm trọng, nên theo EVN, nhiều nhà máy nhiệt điện chỉ vận hành ở mức 60 - 70% công suất. Chính vì vậy, đến cuối tháng 3, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do có nhiều tổ máy nhiệt điện phải dừng hoặc giảm phát điện. Theo EVN, vào cuối mùa khô, công suất các nhà máy thủy điện cũng bị suy giảm, khiến việc bảo đảm nguồn cung điện ngày một khó khăn.

Tăng cung ứng than nội địa

GS-TS Trần Đình Long phân tích: Quan điểm của Thủ tướng về việc này rất rõ ràng, đó là phải thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng tính tự chủ tự cường của ngành năng lượng, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Trước mắt, tập trung khai thác hết công suất có thể về tất cả các mặt hàng năng lượng, từ than, khí, dầu… cân đối, điều chỉnh sản xuất để không thiếu điện. Quan trọng là quản lý được nhu cầu sử dụng điện. Điều hòa nhu cầu theo biểu đồ sử dụng một cách hợp lý. Chẳng hạn, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện tăng hoạt động vào khung giờ thấp điểm, giảm vào giờ cao điểm giảm áp lực sử dụng điện năng.

TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, đánh giá nếu không giải quyết được bài toán giảm giá than dùng để sản xuất điện, phụ thuộc vào giá thế giới thì giá điện có nguy cơ tăng. Chính phủ hiện tại có thể đang cân nhắc chưa tăng giá điện, nhưng khi giá than, giá khí, giá dầu nhập khẩu đều tăng thì áp lực tăng giá điện rất lớn. Thế nên, nguồn điện để phục vụ trong ngắn hạn là tăng công suất thủy điện, đặc biệt các dự án thủy điện nhỏ phía Bắc, rất phù hợp để tăng công suất mà không bị ảnh hưởng môi trường. Thứ 2 là tăng nhập khẩu điện từ Lào. Phía Úc mới đây cũng có cam kết với Bộ Công thương là họ đủ năng lực, sản xuất, khai thác, chế biến để cung cấp than cho Việt Nam.

“Quan trọng là giá nhập khẩu thế nào. Ngành công thương có thể hỗ trợ để đàm phán, thương thảo với phía Úc để có giá than nhập khẩu tốt nhất. Về lâu dài, tôi ủng hộ đẩy mạnh năng lượng tái tạo, nhiệt điện không phải là giải pháp ưu tiên. Đây là cơ hội để ngành điện rút ngắn thời gian giảm dần điện than bởi theo đuổi nó thiệt hại nhiều hơn là lợi. Về lâu dài nữa, điện hạt nhân cũng cần chú ý để phát triển”, TS Phùng Đức Tùng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.