Giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam - Cúp Café de Măng Đen lần I - 2023:

Giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam: Hơn cả kỳ vọng

27/03/2023 06:56 GMT+7

Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú đã phải thốt lên nhiều lần khi nói về giải vừa kết thúc tốt đẹp vào chiều qua 26.3.

Khi giải đấu chưa khởi tranh, nhiều người trong đó có không ít các nhà phân tích vẫn nghi ngại khi cho rằng bóng đá sinh viên dù sao cũng chỉ là ngoài chuyên nghiệp sẽ rất khó hy vọng gì về sự hay đẹp, lôi cuốn về chuyên môn, có chăng chỉ là sự nhiệt tình mà bóng đá học đường từ lâu vốn có thừa. Thế nhưng sau 65 trận vòng loại và đặc biệt 26 trận đấu VCK thì mọi suy nghĩ đều đã đảo lộn. Không chỉ hào hứng, khí thế về lượng CĐV, về bầu không khí sục sôi trên khán đài, sự nóng bỏng dưới sân cỏ mà từng trận đấu đã mang lại nhiều cảm xúc thú vị, hấp dẫn cho người xem.

Hơn cả kỳ vọng - Ảnh 1.

ĐH Huế được ví như vua sút 11 m khi 3 trận tứ kết, bán kết và chung kết đều chiến thắng ở các cuộc “đấu súng”

Nhật Thịnh

Toàn bộ các trận VCK không một trận nào mà không ít nhiều để lại dấu ấn bởi tính chuyên môn khá cao, mà theo giám sát Nguyễn Xuân Hòa từng có nhiều kinh nghiệm làm các giải U và giải hạng nhì, hạng ba thì hầu hết các trận tại giải Thanh Niên Sinh viên Việt Nam 2023 chất lượng cống hiến và sự thi thố tài năng còn hay hơn nhiều trận đấu của các đội bóng ngoài chuyên nghiệp khác. Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi có mặt ở bán kết đã thốt lên: "Xem bóng đá sinh viên thích quá. Mình không chỉ như sống lại thời trai trẻ, sục sôi, máu lửa mà còn thấy các trận đấu quá sướng mắt, quá tuyệt vời. Phải nói Báo Thanh Niên đã tạo nên một sân chơi vô cùng giá trị về mọi mặt cho bóng đá học đường từ giáo dục nhân cách, ứng xử trên sân đến cách tổ chức bài bản, khoa học, chuyên nghiệp làm cho bất cứ ai cũng vô cùng ấn tượng với giải đấu. Anh Trần Anh Tú cũng đã thay mặt lãnh đạo VFF đánh giá giải này quá chu đáo, xuất sắc hay hơn cả kỳ vọng".

Nhìn lại hành trình diệu kỳ Giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam - Cúp Café de Măng Đen 2023

26 trận VCK đã có 62 bàn thắng, nếu tính luôn cả vòng loại thì 91 trận đã có gần 303 bàn thắng, trung bình hơn 3,3 bàn/trận. Điều đó cho thấy các đội bóng rất hăm hở trong thi đấu, vào trận là chơi đầy say mê, hướng về phía trước chỉ với mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng. Như đội chủ nhà Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho dù trận cuối vòng bảng chỉ cần hòa là có thể chọn cho mình nhánh đấu tương đối dễ thở hơn ở vòng trong, nhất là được đá sau với thời tiết mát trong ngày thi đấu, nhưng vẫn nỗ lực giành chiến thắng trước Trường ĐH Văn Lang để đứng đầu bảng. Họ chơi vì khán giả, vì thương hiệu chứ không có bất cứ sự toan tính nào làm thất vọng người xem. Hay hai đội Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tranh chấp từng đường bóng rất quyết liệt, cũng có va chạm, tranh cãi, thậm chí có thẻ đỏ, nhưng sau khi hết trận họ qua cúi chào nhau, ôm nhau và cúi chào khán giả một cách đầy trân trọng. Hoặc như ĐH Huế được đánh giá là chuyên gia ngược dòng và được ví như vua sút 11 m khi 3 trận tứ kết, bán kết và chung kết đều chiến thắng. Điều thú vị hơn nữa là hai đội vào đá trận chung kết là hai đội cùng thua trận đầu (Trường ĐH Thủy lợi thua Trường ĐH Văn Lang và ĐH Huế thua Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội) và chỉ giữ thứ hạng khiêm tốn trong bảng đấu vòng ngoài nhưng đã bừng sáng ở các trận knock-out.

Có đến gần 50 gương mặt xuất sắc được giới chuyên môn chấm qua giải đấu này, trong đó 11 cái tên nổi bật nhất đã được trao thưởng trong đội hình tiêu biểu, nhưng khoảng 30 cái tên còn lại cũng thể hiện ấn tượng không kém. Có thể kể như Nguyễn Hoàng Danh, Trần Bảo Trung, Ngô Minh Quý, Bùi Xuân Trường (Trường ĐH Thủy lợi), Nguyễn Quang Hợp, Channa Phonesavath, Nguyễn Văn Đô (ĐH Huế), Điểu Huỳnh, K'Bình, Nguyễn Minh Nhật (Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM), Đoàn Hoàng Nam, Châu Văn Phú (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), Trần Gia Trung Kiên (Trường ĐH Văn Lang), Nguyễn Văn Tấn Đạt, Triệu Hồng Chính (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), Phạm Văn Tuấn, Huỳnh Ngọc Bảo (Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội), Mai Lê Trung Kiên (Trường ĐH Cần Thơ), Lê Minh Chiên (Trường ĐH Nông Lâm), Nguyễn Trọng Hiếu (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), Ngô Minh Hoàng (Trường ĐH Tây Nguyên)… Họ đã thể hiện hơn cả kỳ vọng và sẽ được tập hợp dưới một màu áo hoặc sẽ là nòng cốt của các đội tiêu biểu nếu như có giải sinh viên quốc tế trong thời gian tới. 

Nơi tình yêu bóng đá thắp lên từ khán đài: Cảm ơn các CĐV nhiệt thành

Hơn cả kỳ vọng - Ảnh 2.

Giành giải Vua phá lưới nhờ nụ hôn của mẹ


Đội Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM về đích ở vị trí thứ 3 sau khi giành chiến thắng kịch tính 2-1 trước đội chủ nhà Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong đó, Nguyễn Minh Nhật đã góp công lớn khi lập cú đúp bàn thắng.

Minh Nhật giành danh hiệu Cầu thủ ghi bàn đầu tiên, Cầu thủ xuất sắc nhất trận và trở thành chân sút tốt nhất của VCK giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam với 6 pha lập công. Mặc dù vậy, tiền đạo của đội Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM vẫn rời sân với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. "Giành danh hiệu Vua phá lưới là điều đáng mừng nhưng thực sự chưa trọn vẹn. Tôi muốn cùng các đồng đội chiến đấu ở trận chung kết chứ không phải trận tranh hạng ba", Minh Nhật chia sẻ.

Bên cạnh đó, chàng sinh viên năm 3 của Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM cũng muốn tặng thành tích của đội và cá nhân cho cha mẹ mình. Chân sút sinh năm 2002 bộc bạch: "Bước vào VCK, tôi ăn ở tập trung với toàn đội nên không có nhiều thời gian bên gia đình (nhà Nhật ở H.Củ Chi, TP.HCM). Tôi thực sự rất muốn cảm ơn cha mẹ vì đã luôn ủng hộ đam mê của tôi. Khi đội thua trận bán kết, tôi rất buồn và nằm một góc trên giường, mẹ đã tới thủ thỉ động viên rồi hôn tôi một cái. Đó thực sự là động lực rất lớn để tôi tiếp tục thi đấu tốt".

Trước ngày thi đấu cuối cùng tại VCK, có đến 4 cầu thủ ghi được 4 bàn. Tuy nhiên, ở trận tranh hạng 3, Minh Nhật đã gạt bỏ nỗi buồn thua trận để chứng minh mình là chân sút tốt nhất giải đấu. 

Nghi Thạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.