Giải 'cơn khát' cát

12/01/2024 04:18 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chốt thời hạn yêu cầu Bộ GTVT, Bộ TN-MT khẩn trương báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông trước ngày 20.1. Sự thúc giục của người đứng đầu Chính phủ nhằm giải tỏa "cơn khát" vật liệu cho các dự án cao tốc, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, khối lượng cung ứng nguồn vật liệu thi công hiện vẫn chưa đáp ứng được tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến cuối tháng 12.2023, hai cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau vẫn chưa được cung cấp cát đắp đủ theo kế hoạch. Theo ước tính, tổng nhu cầu cát đắp nền cho 4 dự án cao tốc thuộc ĐBSCL hơn 50 triệu m3. Cát sử dụng chủ yếu tập trung ở Đồng Tháp, An Giang, song tổng trữ lượng 2 tỉnh này cung cấp chỉ đạt khoảng 10 - 14 triệu m3/năm, đáp ứng được 50% nhu cầu.

Đáng nói, toàn bộ tuyến tại khu vực ĐBSCL đi qua khu vực nền đất yếu, phải xử lý nền đường và gia tải chờ lún. Nếu các địa phương không đẩy nhanh những thủ tục khai thác, cung cấp vật liệu cho dự án, đảm bảo cho nhà thầu hoàn thành thi công đắp nền đường trước tháng 6.2024, tiến độ dự án rất khó đảm bảo do phải chờ lún từ 12 - 16 tháng.

Để giải cơn khát vật liệu, Thủ tướng đã cho phép thí điểm khai thác cát biển thay thế vật liệu san lấp từ cuối năm 2022. Kết quả thí điểm dùng cát biển thay cát sông làm vật liệu san lấp cao tốc đã cho những kết quả bước đầu rất khả quan. Bộ GTVT và Bộ TN-MT sau đó đã mở rộng quy mô thí điểm, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có báo cáo kết quả thí điểm chính thức gửi Chính phủ để triển khai.

Sự thận trọng của các bộ được giao chủ trì thí điểm là dễ hiểu với một vật liệu hoàn toàn mới, nhằm đánh giá độ rủi ro về tác động lâu dài như độ nhiễm mặn, mức độ tác động đến cây trồng, vật nuôi của khu vực… Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, ngay cả trong trường hợp chấp thuận khai thác chính thức cát biển làm vật liệu thay thế, chưa nên làm đại trà trên diện rộng.

Thận trọng là cần thiết, tuy nhiên, không nên chậm trễ đưa ra quyết định, nhất là trong bối cảnh các dự án cao tốc tại ĐBSCL đang "khát" cát. Trước đó, việc thí điểm cũng được thực hiện tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, vì vậy, chọn địa bàn này áp dụng đầu tiên là phù hợp và sẽ ít sai lệch so với kết quả thí điểm. Nguồn cát biển bổ sung không chỉ giúp đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu san lấp với giá thành thấp hơn, nguồn sẵn có hơn. Đặc biệt, còn tránh được tình trạng thao túng, làm giá các mỏ vật liệu hiện nay cũng như hàng loạt nguy cơ tiêu cực như đầu nậu cát, xã hội đen khai thác cát sông trái phép…

Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng phải sốt ruột ban hành nghị quyết đôn đốc, thúc giục đảm bảo đủ nguồn vật liệu cho dự án hạ tầng. Với mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025, quỹ thời gian còn lại rất ngắn, nếu mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan chậm một nhịp thì đích đến càng xa, mục tiêu sẽ khó đạt được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.