Giải cứu cho thị trường bất động sản, xây dựng

Đình Sơn
Đình Sơn
23/10/2021 06:40 GMT+7

Ngày 22.10, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp , người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế , xã hội khu vực phía nam.

Trên bảo, dưới không nghe

Theo ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách làm nhà cho công nhân, nhà ở xã hội. Đợt dịch bệnh thứ 4 vừa rồi, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do chỗ ở không được đảm bảo. Nên khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng giãn cách, người dân các tỉnh đã di cư về quê, dẫn đến tình trạng thiếu lao động để phục hồi kinh tế.

Ông Dũng cho rằng để xây dựng nhà ở xã hội nhà nước phải có quỹ đất, có cơ chế giao cho chủ đầu tư có tiềm lực mới nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời nên giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp để xây nhà ở xã hội, quy đổi cho các dự án nhà ở thương mại khác. “Thay vì dự án 2 ha đất ở trung tâm phải dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội, doanh nghiệp có thể xây ở khu vực khác để hoán đổi. Bởi đất ở trung tâm doanh nghiệp đền bù rất khó khăn mới có được”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn

Đình Sơn

Ngoài ra, để gỡ vướng cho doanh nghiệp, ông Dũng đề nghị có cơ chế cấp sổ hồng cho loại hình căn hộ condotel, bởi đến nay tỷ lệ được cấp sổ rất thấp. Bên cạnh đó cần có thông tư quy định về vận hành quản lý condotel, kinh phí bảo trì loại hình căn hộ này. Đồng thời không nên quy định có tiền sử dụng đất mới được chuyển nhượng dự án mà chỉ cần có chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Yêu cầu đối với condotel là quản lý chuẩn theo mô hình khách sạn, nên không thể dùng quản lý nhà chung cư để điều hành, không có cơ chế ban quản trị điều hành, kinh phí bảo trì khách hàng cũng không phải đóng 2% mà chủ đầu tư sẽ theo suốt quá trình tồn tại của sản phẩm. Quy định các dự án chỉ được chuyển nhượng khi có chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gây nhiều khó khăn, nên mở hơn. Cần có cơ chế đồng bộ thực hiện thống nhất giữa các văn bản, cấp phép giữa T.Ư và địa phương để tránh tình trạng rà soát lại, tốn thêm thời gian”, ông Dũng đề xuất.

Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, cho biết tiến độ của các công trình bị ảnh hưởng phải dừng thi công thời gian qua, nhưng nhà thầu vẫn bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ. Bộ nên có quy định về điều kiện bất khả kháng để điều chỉnh giúp nhà thầu và chủ đầu tư có cơ sở để chia sẻ với nhau, quy định cụ thể khi chủ đầu tư chây ì không thanh toán. Trong điều kiện hiện nay, theo ông Hải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là giải pháp tốt. Làm thế nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh mới là vấn đề cốt yếu, còn đã có lợi nhuận thì không nên xin giảm trong lúc này. Đồng thời, giải quyết các khó khăn cho vấn đề pháp lý các dự án cũng là giải quyết khó khăn cho các nhà thầu.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng, cũng cho biết cước vận tải đã tăng từ 4 - 5 lần trong dịch. Chưa kể mỗi tỉnh thành lại có quy định khác nhau nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa rất khó khăn, không có sự nhất quán trong chỉ đạo giữa T.Ư với các địa phương, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” khá phổ biến trong thời gian vừa qua.

Vừa làm vừa run vì sợ bị “bắt giò”

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành cơ chế xây dựng các công trình khẩn cấp nên rất nhiều bệnh viện dã chiến đã được hoàn thành nhanh chóng, phục vụ cho công tác chống dịch của TP.HCM.

Tại thời điểm đó, TP.HCM chỉ biết làm và làm, làm nhanh nhất có thể chứ không tuân thủ các quy trình về thủ tục đầu tư công hay lập dự án đầu tư. Đơn cử như việc mua trụ ô xy bình thường khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/trụ nhưng có thời điểm lên đến 4 - 5 triệu đồng/trụ, trả thù lao công nhân gấp 3 - 4 lần mà không kiếm được người vào làm trong khu có F0. Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng về vấn đề quyết toán theo đơn giá thực tế. Ông Quân cũng kiến nghị một số quy định tại luật Xây dựng, luật Đất đai, luật Đầu tư, Kinh doanh bất động sản nên có điểm thống nhất để công tác thực thi được tốt hơn.

Cũng theo ông Quân, hiện tại, Sở Xây dựng rút gọn thủ tục cấp phép, nhưng Thanh tra TP.HCM lại cho đó là sai phạm vì “tại sao lại rút gọn thủ tục?”. Điều này gây khó khăn cho Sở vì chưa có sự tiệm cận giữa các quy định khác nhau của pháp luật. Ngoài ra có quá nhiều quy hoạch, trong khi chỉ TP.HCM và Hà Nội mới có Sở Quy hoạch - Kiến trúc, gây khó khăn cho công tác chuyên môn. Không những thế, ở TP.HCM có kế hoạch sử dụng đất 5 năm ban hành một lần và Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm. Nhưng nếu doanh nghiệp đưa dự án vào kế hoạch này thì rất khó vì doanh nghiệp vận động theo quy luật thị trường, có tiền thì làm. Giữa kế hoạch sử dụng đất với kế hoạch phát triển nhà ở có độ chênh nhau.

Liên quan nhà ở xã hội, ông Quân cho hay nhiệm kỳ tới đây dự kiến TP.HCM sẽ có 35.000 căn. TP.HCM có xây dựng các quy trình rút ngắn quy trình làm nhà ở xã hội nhưng cũng đang “lo lắng vì sợ sau này thanh tra vào thanh tra lại bắt giò”. “Theo quy trình, thủ tục làm nhà ở xã hội rút ngắn còn 200 ngày cho doanh nghiệp tự xây dựng. Đối với đất nhà nước mà doanh nghiệp tham gia đầu tư, hồ sơ không nộp sở ngành nào mà nộp thẳng lên UBND TP.HCM để làm thủ tục nhanh hơn. Nếu TP.HCM thông qua thì triển khai ngay. Hiện TP.HCM cũng lập 2 tổ công tác. Tổ đầu tư do Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách để giải quyết các vấn đề về đầu tư dự án. Tổ 2 là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Phó chủ tịch UBND TP phụ trách và 1 - 2 tuần họp 1 lần”, ông Quân thông tin.

Bỏ hết thanh tra xây dựng, khó quản lý?

Đại diện Sở Xây dựng Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng có những kiến nghị tương tự. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, góp ý dự án bán nhà hình thành trong tương lai quy định bên mua đồng ý. Tuy nhiên, đã bán nhà trong “tương lai” thì chưa thể xác định được người mua cụ thể để đồng ý. Vì thế, cần sửa đổi lại quy định này.

Ông Ngân cũng kiến nghị hiện nay đã bỏ thanh tra xây dựng cấp huyện, nếu bỏ tiếp cấp tỉnh thành thì rất khó cho công tác quản lý của Sở. Sở Xây dựng Đồng Nai, Long An cùng kiến nghị về quy định diện tích phòng trọ tối thiểu cho người lao động thuê đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 09 từ ngày 1.10.2021 nhưng tại thông tư này không quy định diện tích nên địa phương không có cơ sở để chấp nhận các loại dự án này. Cũng theo ông Ngân, hiện Bình Dương có 1,2 triệu lao động, mục tiêu của tỉnh là có nhà ở cho hơn 1 triệu công nhân. Chính vì vậy Bộ Xây dựng cần sớm có đề án, chính sách để xây dựng. Hiện nay xây thì dễ, làm thì nhanh nhưng khi kiểm toán thì khó.

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh khẳng định trên tinh thần cầu thị để hoàn thiện hơn về mặt thể chế, chia sẻ khó khăn và giải quyết công việc nhanh, nhiều kiến nghị của các đại biểu đã được Bộ Xây dựng kiến nghị lên Thủ tướng và các cuộc họp của các bộ liên quan. Đơn cử như vấn đề “bất khả kháng” cũng được tranh luận rất gay gắt nhưng chưa được quy định rõ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và đã đề xuất một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề về chi phí trực tiếp trong thời gian chống dịch. Rất nhiều vấn đề của ngành xây dựng đã được Bộ Xây dựng phối hợp làm việc với bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn nhanh nhất có thể cho các doanh nghiệp và người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.